Công tác phòng chống lụt bão đối với hệ thống giao thông: Chủ động các phương án ứng phó
Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ được ngành GT-VT đặc biệt quan tâm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GT-VT, về các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa lũ năm nay.
* Xin ông cho biết về thực trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
- Trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ (QL) đi qua với tổng chiều dài trên 268 km; có 13 tuyến tỉnh lộ với chiều dài trên 520km; đường giao thông liên huyện có 48 tuyến với chiều dài gần 476 km; đường giao thông liên xã dài 7.595 km… Hiện nay, ngoài tuyến QL1, QL1D, QL19 đang được Bộ GT-VT đầu tư nâng cấp, mở rộng, còn lại tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian dài trước đây chưa được đầu tư sửa chữa định kỳ theo quy định.
Thi công cầu Tuy Phước thuộc dự án QL 19. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo quy định của Bộ GT-VT về quản lý và bảo trì đường bộ, đối với đường bê tông nhựa, sau 4 năm phải được sửa chữa vừa, sau 12 năm phải sửa chữa lớn; đường bê tông xi măng thì 8 năm phải sửa chữa vừa, 24 năm phải sửa chữa lớn; đường đá dăm đen trộn nhựa 3 năm phải sửa chữa vừa, 9 năm phải sửa chữa lớn… Nhưng trên thực tế ở tỉnh ta không có tuyến tỉnh lộ nào được sửa chữa theo đúng quy định, thậm chí có nhiều tuyến đường đã được xây dựng cách nay 15-20 năm nhưng chưa được sửa chữa vừa, sửa chữa lớn lần nào. Nguyên nhân, do kinh phí cấp cho công tác duy tu, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh không đảm bảo so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, mạng lưới đường giao thông trong tỉnh do cấp đường thấp, mặt đường nhỏ hẹp (phần lớn là đường cấp VI, bề rộng mặt đường 3,5m), không theo kịp sự phát triển của các phương tiện vận chuyển, tải trọng khai thác luôn lớn hơn rất nhiều so với tải trọng thiết kế cầu đường. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, nên hầu hết các tuyến đường tỉnh đều đã xuống cấp. Đáng chú ý là sự xuống cấp của hệ thống tỉnh lộ, như tuyến ĐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan); ĐT 630 (Cầu Dợi - Kim Sơn); ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão)...
* Trước tình hình nhiều tuyến giao thông bị xuống cấp, ngành GT-VT tỉnh đã có biện pháp gì để đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn trong mùa mưa lũ, thưa ông?
- Việc hệ thống đường giao thông ở tỉnh ta bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của mưa lũ hàng năm là hết sức rõ rệt. Do đó, để đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn, Sở GT-VT đã có một số giải pháp từng bước sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng.
Hàng năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh bố trí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tỉnh lộ, Sở GT-VT đã dành lại 5% để phục vụ công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn quá hạn hẹp, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị quản lý đường bộ luôn phải tự ứng vốn trước để thi công khắc phục hậu quả lũ lụt bước 1. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chủ động đăng ký danh mục khắc phục hậu quả lũ lụt, đảm bảo giao thông bước 1 từ nguồn kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương...
* Dự án nâng cấp, mở rộng QL19 từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao nhau với QL1 là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, ông có thể cho biết tiến độ thi công và các biện pháp phòng chống lụt bão cho công trình trong mùa mưa lũ năm nay?
- Dự án QL19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1 có tổng chiều dài trên 17 km, tổng vốn đầu tư 5.279 tỉ đồng, khởi công từ cuối năm 2012, đến nay đã hoàn thành gần 100% gói thầu số 1 và đang tiếp tục triển khai các gói thầu số 2, số 3. Tỉnh đã yêu cầu đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, đến thời điểm 30.9.2015 phải cơ bản thông tuyến.
Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đang tổ chức 3 mũi thi công tại gói thầu số 2 đoạn từ km5+ 640 - km8 + 640; km9 + 010 - km10 +500; km11+ 500 - km13 + 040 với giá trị xây lắp thực hiện được trên 281 tỉ đồng/905,84 tỉ đồng, đạt 31%. Đối với gói thầu xây dựng các cầu Hà Thanh 6, Hà Thanh 7, và cầu Tuy Phước đã thực hiện giá trị xây lắp trên 81,65 tỉ đồng/665,46 tỉ đồng, đạt 12,3%.
Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong suốt mùa mưa lũ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, lãnh đạo ngành GT-VT đã kiểm tra hiện trường thi công công trình tại các gói thầu số 2 và số 3 thuộc dự án QL 19, yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương triển khai biện pháp bảo vệ nền đường, vật tư thiết bị thi công và triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ năm 2014.
Trên thực tế ở tỉnh ta không có tuyến tỉnh lộ nào được sửa chữa theo đúng quy định, thậm chí có nhiều tuyến đường đã được xây dựng cách nay 15-20 năm nhưng chưa được sửa chữa vừa, sửa chữa lớn lần nào.........
Ông TRẦN THANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở GT-VT
* Hiện các địa phương thuộc dự án QL 19 rất lo ngại tình trạng trong mùa mưa lũ dòng chảy bị cản do thi công công trình, vấn đề này được giải quyết như thế nào?
- Sở GT-VT đã yêu cầu nhà thầu triển khai ngay công tác bảo vệ gia cố nền đường tại các vị trí đầu và cuối phân đoạn thi công, các đoạn nền đường mới đắp cát, cao độ còn thấp. Mở rộng khai thông dòng chảy tại các vị trí cống hộp để thoát nước nhanh; đồng thời triển khai các biện pháp chống xói lở.
Sở cũng đã yêu cầu đơn vị thi công khai thông dòng chảy tại cầu Tuy Phước, đảm bảo thoát nước kịp thời và không để nước dềnh ở thượng lưu. Nhà thầu phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão cụ thể, tăng cường nhân lực, máy móc, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp trong mùa mưa lũ. Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại công trình, kịp thời đối phó với mưa lũ và khắc phục kịp thời những thiệt hại xảy ra đối với công trình.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)