Hàng trăm hộ dân có nguy cơ mất nhà vì bờ sông Gò Chàm sạt lở
Hơn 300 hộ dân ở các thôn Háo Lễ, Tân Hội, Lương Lộc thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước sống bên bờ sông Gò Chàm đang thấp thỏm với nguy cơ mất nhà do sạt lở bờ sông Gò Chàm.
Theo UBND xã Phước Hưng, tình trạng sạt lở bờ sông Gò Chàm đang diễn ra gần 10 năm nay. Tuy nhiên, trước mùa mưa bão năm nay, tình trạng bờ sông bị xâm thực, sạt lở đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Qua khảo sát của chúng tôi, vành đai sụt lún, xói lở khoảng 600 m. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, không lâu nữa, đất vườn, nhà cửa của nhiều gia đình nơi đây sẽ nằm trong “miệng hà bá”.
Mua đất để giữ đất
Hai đợt mưa lớn dội xuống đầu tháng 10 khiến người dân quanh thôn Háo Lễ, Tân Hội và Lương Lộc nín thở. Đất vườn bắt đầu có dấu hiệu sụt lún.
Bền bỉ “bám” mảnh đất của ông bà tổ tiên suốt bao đời nay, dành dụm được bao nhiêu tiền, anh Lê Ngọc Hải (ở xóm 15, thôn Háo Lễ) đều “đổ hết” vào mua đá, cát sỏi để xây móng, đổ đất giữ nhà. “Trước đây, sân sau nhà tôi cách bờ sông Gò Chàm tới 4-5 m, mà giờ xói lở đã tiến sát hiên nhà. Riêng đợt lũ tháng 11.2013, toàn bộ công trình phụ gồm nhà tắm, nhà vệ sinh và chuồng heo rộng 20m2 đổ nhào hết xuống sông. Cứ cái đà này chắc sau mùa mưa lũ tới là căn nhà của tôi nằm trong lòng sông mất” - anh Hải lo lắng.
Nỗi lo của anh Hải là có cơ sở. Bởi có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy, tình trạng bờ sông bị xâm thực, xói lở đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu đến chân tường nhà dân.
Cá biệt, chỉ cần một đợt lũ nhỏ đổ về, các căn nhà của ông Trần Đạt, Võ Khắc Trinh, Trần Hoàng Thắng, Lê Phước Châu sẽ đổ xuống sông bất cứ lúc nào.
Vừa bước đến nhà ông Trần Hoàng Thắng (ở thôn Háo Lễ) hỏi về tình hình sạt lở bờ sông, ông Thắng lôi tuột tôi ra mé sông rồi chỉ tay vào bụi tre nằm chơ vơ giữa dòng sông, bức xúc: “Khoảng 3 giờ sáng trung tuần tháng 11.2013, đang nằm ngủ thì tôi nghe rất rõ tiếng lách tách rễ cây đứt, tiếng nước vỗ vào bờ, đất ùm ùm sụt xuống sông. Sáng ra, tôi thấy toàn bộ công trình phụ đã bị đổ xuống lòng sông. Tường nhà bị nứt toác, nghiêng hẳn về phía sông”.
Không riêng gì anh Hải, ông Thắng, để “tồn tại”, nhiều người dân nơi đây đã phải mua đất để giữ nhà. Năm nào, gia đình anh Lê Phước Châu (ở thôn Tân Hội) cũng ki cóp mua 2-4 xe đất, mỗi xe khoảng 7m3 đất, mỗi m3 đất có giá hơn 50 ngàn đồng, để đổ thêm vào sân vườn. Nhưng đổ bao nhiêu, nước “nuốt chửng” bấy nhiêu. Cứ đến mùa nước lũ, anh Châu lại thâu đêm không ngủ vì lo. “Mùa mưa 2013, nước dâng cao, hiên nhà phía sau bị nứt toác, nhiều diện tích đất cũng trôi theo dòng nước xoáy giữa đêm. Tiếng nước vỗ bên vách nhà chính cứ dập liên hồi” - anh Châu nhớ lại.
Dân chờ xã, xã đợi… cấp trên
Qua tìm hiểu, sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền xã đã khảo sát thực trạng sụt lún và thừa nhận một số khu vực kể trên bị sạt trượt với mức độ rất nguy hiểm, đe dọa hàng loạt ngôi nhà ven sông. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có động thái gì cụ thể nhằm khắc phục tình trạng trên.
Theo ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, tình trạng sạt lở bờ sông Gò Chàm không chỉ gây nguy hiểm cho các hộ dân sống ven sông vùng hạ du, mà còn làm khiến tình hình sa bồi thủy phá đất nông nghiệp địa phương thêm nghiêm trọng.
“Hàng năm, địa phương đã quan tâm đóng cọc bằng tre, gia cố chống đỡ bờ kè tại một số điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ nhưng do kinh phí quá ít nên việc gia cố chỉ như “muối bỏ bể”. Hiện xã đang kiến nghị cấp trên đầu tư xây dựng hệ thống kè ven sông”, ông Tân bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 23.10, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: “Huyện đã rà soát tất cả các điểm sạt lở trên địa bàn và đang lập tờ trình kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình kè chắn theo hướng kiên cố hóa trong đó có khu vực sông Gò Chàm đoạn qua xã Phước Hưng, nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân”.
Bài, ảnh NHÃ LÂM