Mở lối cho người hoàn lương
Tại Hội nghị tổng kết công tác tái hòa nhập cộng đồng toàn quốc, diễn ra vào giữa tháng 10.2014 tại Hà Nội, Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách giúp người lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng, chí thú làm ăn, trở thành người hữu ích cho xã hội.
Tại Hội nghị này, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn là một trong những điển hình được giới thiệu, biểu dương. Điểm nhấn quan trọng của phường Lê Lợi là mô hình 8 thành phần liên tịch + 1 được triển khai từ hơn 10 năm qua. Nhờ triển khai mô hình chặt chẽ, đồng bộ, có sự phối hợp của các đoàn thể, tùy đối tượng mà bố trí người giúp đỡ phù hợp nên tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm được kéo giảm dưới 10%. Nhiều trường hợp người lầm lỗi vươn lên làm ăn khá giả, tạo việc làm cho người khác, điển hình như bà Phùng Thị Thơ, anh Lê Văn Hạ (KV5).
Ngoài phường Lê Lợi, còn nhiều địa phương khác cũng làm tốt công tác này, như phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), phường Đập Đá (thị xã An Nhơn)… Các địa phương này nhiều lần tổ chức gặp mặt những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ và trong khả năng có thể, tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập tốt với cộng đồng.
Điều đáng mừng là nhiều người đi tù về không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ đó mà tự lực tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, trong đó có những người từng phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như anh Nguyễn Văn Nam ở khu vực Bả Canh, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) từng bị xử phạt 20 năm tù giam về tội lưu hành tiền giả; anh Cao Thanh Vân ở xã Canh Vinh (Vân Canh) từng bị xử phạt 9 năm tù vì gây tai nạn làm chết nhiều người; anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Ân Nghĩa (Hoài Ân), anh Đoàn Thục ở xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) từng bị án 20 năm tù về tội giết người.
Không chỉ chăm lo lao động chân chính, nhiều trường hợp người chấp hành xong án phạt tù về địa phương còn tích cực tham gia giữ gìn ANTT, xem việc giúp ích cho xã hội, giúp đỡ người khác là cần thiết để góp phần bù đắp những lỗi lầm trước đây mình từng gây ra. Anh Cao Bay ở Diễn Khánh (Hoài Nhơn) là một trong những điển hình như thế. Sau khi chấp hành bản án 3 năm tù vì gây tai nạn rất nghiêm trọng, anh Bay về địa phương chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời. Anh 4 lần tham gia truy bắt trộm, cướp và hàng chục lần cứu người bị tai nạn trên quốc lộ 1A.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành chức năng của tỉnh cũng nhìn nhận, công tác tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này. Một bộ phận người dân còn tâm lý kỳ thị với người từng lầm lỗi. Những yếu tố đó cộng với những tác động xấu ngoài xã hội, khiến một số người sau khi chấp hành án phạt tù về địa phương đã tái phạm.
Cùng với đặc xá, tha tù, tái hòa nhập cộng đồng là một trong những công tác quan trọng vừa thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta vừa góp phần phòng ngừa tội phạm phát sinh, phát triển. Tha thứ cho người lầm lỗi, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng chính là tiền đề quan trọng để ngăn ngừa họ tái phạm, góp phần giữ cho cuộc sống bình yên.
HỒNG NGỌC