Tăng trưởng xanh là lựa chọn sống còn của nền kinh tế
Thông điệp này được nhiều chuyên gia khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam".
Sáng 24.10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”.
Tăng trưởng xanh là lựa chọn sống còn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, khẳng định: Tăng trưởng xanh không còn là một xu hướng mà trở thành một lựa chọn sống còn không chỉ riêng quốc gia mà còn của cả thế giới. Mô hình tăng trưởng này hướng đến sự phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh cũng đang là một tất yếu.
Ông Đông cũng cho biết, Bộ KHĐT đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, vấn đề đặt ra là làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua các hành động thực tế. Kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia gồm 12 nhóm hành động theo 4 nhóm chủ đề: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh ở địa phương, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống, tiêu dùng bền vững.
Việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh là yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong đó, việc kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu với sự gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, là điểm nhấn.
Tuy nhiên, “việc thực hiện tăng trưởng xanh không chỉ là thuận lợi, mà đối mặt với một số khó khăn không dễ vượt qua. Đó là yêu cầu lớn về vốn cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong khi năng lực và trách nhiệm các bên liên quan còn hạn chế, khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước”-ông Đông nhấn mạnh.
Phân bổ nguồn lực còn méo mó
Cùng quan điểm khẳng định tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là lựa chọn sống còn, nhưng PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng mục tiêu này không dễ gì thực hiện. Bởi theo ông, mấu chốt nằm ở chỗ sau khi đặt ra mục tiêu rồi, thực thi nó như thế nào?
Theo phân tích của ông Thiên, sở dĩ nước ta phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vì quá trình phân bổ nguồn lực lâu nay không hợp lý, cần phải phân bổ lại cho hợp lý. Trước đây, chúng ta đã định hướng nền kinh tế phát triển theo hướng khai thác vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác sức lao động giá rẻ, chạy theo làm thuê, lắp ráp… mà chưa hướng vào phát triển những ngành có đẳng cấp công nghệ cao hơn cho đất nước.
“Chúng ta đã nghĩ tới công nghệ cao, nhưng chưa thực sự hướng đầu tư đúng vào đó”- ông Thiên đánh giá. Bởi thực tế, khi nhà nước quyết định giảm đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí là mục tiêu tốt. Nhưng khi giảm đầu tư đã nảy sinh nền kinh tế gặp khó khăn. Trong cơ cấu kinh tế thì khu vực FDI tăng lên, nhưng khu vực nội địa lại yếu đi. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về chất của tăng trưởng.
Về nguyên nhân của những hạn chế của nền kinh tế, theo ông Thiên: Một là, do mô hình tăng trưởng, tư duy về mô hình này, không còn phù hợp thời đại. Nước ta đã duy trì lâu dài mô hình tăng trưởng dễ dãi, cứ bơm tiền ra, có nguồn lực sẵn thì dùng.
Hai là, gắn với câu chuyện hệ thống thị trường chưa được tập trung ưu tiên khuyến khích phát triển. Có 2 yêu tố quan trọng của thị trường là cạnh tranh và giá cả, thì cả 2 đều chưa đạt. Cạnh tranh yếu, giá cả không mang tính thị trường, do đó hệ thống phân bổ nguồn lực cũng không tốt.
Ba là, về quản trị nhà nước, dù đã có nỗ lực nhiều, nhưng vẫn cần thay đổi cách thức. Nếu còn duy trì cơ chế phân bổ nguồn lực dàn trải, xin - cho, chia đều…sẽ gây lãng phí. Điều này còn nảy sinh sự thiên vị, các thành phần kinh tế bị đối xử chưa công bằng, tức là việc phân bổ nguồn lực méo mó, hướng tới nhóm lợi ích.
Cần sự đột phá để xoay chuyển tình thế
Trước những khó khăn hiện tại, theo ông Thiên, trước khi mong đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, cần phải khắc phục 3 nhược điểm nêu trên. Đến nay, có tái cơ cấu kinh tế, nhưng diễn ra chậm. Cần tập trung hành động để xoay chuyển tình thế. Đó là, cần có cơ cấu ngành. Đầu tiên phải là công nghiệp với điểm nhấn logic chuỗi gắn với toàn cầu. Hiện tại, nước ta vẫn chưa có định vị chuỗi cụ thể.
Do vậy, ông Thiên đề nghị chọn chuỗi nhưng phải gắn với công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và gắn với thế giới. Việc lựa chọn chuỗi cũng cần đặt vấn đề doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được chuỗi không?
Cùng với đó, việc quan trọng thứ hai, ông Thiên đặc biệt lưu ý rằng, đội ngũ doanh nghiệp Việt cần phải tư duy và hành động thiết thực để “được chọn, chứ không phải đi chọn”. Tức là doanh nghiệp Việt phải nỗ lực chủ động khẳng định mình, hướng tới tham gia trở thành đối tác các tập đoàn lớn trên thế giới với tư cách là “được họ chọn mình tham gia”.
Để có đột phá xoay chuyển tình thế, một giải pháp quan trọng nữa, theo ông Thiên, cần tập trung đột phá phát triển kinh tế theo vùng. Nhiều mô hình đột phá đã làm đều không thành công vì còn tư duy dàn trải về đầu tư công. Nay cần đột phá theo hướng ưu tiên, tạo ra những điều kiện hạ tầng, thể chế cho vùng để bứt phá. “Không nên tư duy theo hướng bớt thuế, bớt dịch vụ…”- ông Thiên lưu ý. Vì theo phân tích, các nhà đầu tư chiến lược quốc tế không đặt trọng vào những cái nhỏ này, mà họ cần hơn ở thể chế, hạ tầng. Ưu tiên này giống như “làm tổ cho chim phượng hoàng đến đẻ, chứ không phải làm ổ cho gà”.
Một điểm nhấn quan trọng khác được ông Thiên đề xuất, đó là chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh. Hiện nước ta “đang chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo kiểu chạy vòng quanh, sau vài vòng vẫn là cây đó, con đó, chưa có đột phá về giá trị”.
Cho nên, định hướng là cần hướng nền sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm gắn với công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Để làm điều này, đội ngũ doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp phải là một trụ cột quan trọng, là trục chủ yếu để làm nông nghiệp, không phải chỉ có nông dân.
Và, để gỡ được các “nút thắt” khó khăn cho tăng trưởng bền vững, ông Thiên đặc biệt lưu ý đề nghị phải có giải pháp xoay chuyển chính bộ máy nhà nước. Đó phải là đề cao trách nhiệm cá nhân nhà quản lý.
Theo Xuân Thân (VOV)