Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Tuy Phước:
Hiệu quả tích cực về nhiều mặt
Từ một huyện thuần nông, những năm qua, Tuy Phước đã tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ (CN-TM-DV), giảm tỉ trọng nông nghiệp, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương...
Từ việc chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ ăn chắc/năm, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp (chủ yếu là làm đất và thu hoạch), lực lượng lao động ở Tuy Phước dôi dư nhiều. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phục vụ phát triển CN - tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề.
Tính từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp huyện đã phối hợp các trường dạy nghề, và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tổ chức dạy các nghề đan mây tre, may công nghiệp, mộc dân dụng, sản xuất chiếu cói… cho hơn 3.900 học viên là thanh niên, phụ nữ, nông dân, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 46,29% so với độ tuổi lao động trong toàn huyện.
Huyện còn chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư phát triển cụm, điểm CN, đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh đầu tư sản xuất CN-TTCN. Cụm CN Phước An thu hút 12 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các mặt hàng: nhựa tái chế, bao bì, cơ khí, chế biến gỗ, bột nhang, nhang cây, may mặc, chế biến nông sản. Mới đây, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất tổng hợp Hoàng Gia thực hiện dự án nhà máy sản xuất hàng may kết hợp đồ gỗ tinh chế xuất khẩu, tổng vốn đầu tư hơn 56 tỉ đồng... Dự án này sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương.
Bên cạnh sự phát triển của cụm CN Phước An, dọc theo tuyến tỉnh lộ 638, quốc lộ 1A, quốc lộ 19, tỉnh lộ 640, 636B cũng mọc lên nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN. Tính đến nay, toàn huyện có 11.413 cơ sở sản xuất CN-TTCN, TM-DV với cơ cấu ngành nghề đa dạng, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Trên địa bàn huyện còn có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (làng nghề sản xuất chiếu cói Lạc Điền và An Lợi - xã Phước Thắng; làng nghề bánh tráng Kim Tây và làng nghề trồng hoa kiểng Bình Lâm - xã Phước Hòa) đang duy trì và phát triển sản xuất khá ổn định.
Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Phước, 9 tháng đầu năm 2014, huyện tập trung khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế. Nhờ đó, sản xuất CN-TTCN tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất trên 373,51 tỉ đồng, đạt 65,88% kế hoạch năm, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất TM-DV ước trên 775,87 tỉ đồng, đạt 91,69% kế hoạch, tăng 12,9%...
Trong thời gian đến, huyện Tuy Phước tập trung khắc phục những tồn tại, phát huy lợi thế sẵn có, tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, triển khai các giải pháp khuyến khích phát triển CN-TTCN, TM-DV. Hiện huyện đang xem xét, giải quyết các dự án xin thuê đất của các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại cụm CN Phước An giai đoạn 2; đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân...
XUÂN THỨC