“Nhứt thời vợ dữ trong nhà”
Đứng trước Hội đồng xét xử, anh chồng nói như van: “Đề nghị tòa cho tôi được ly hôn chứ tôi bị cô ấy đánh đập nhiều lắm rồi. Tui chịu hổng nổi nữa rồi”. Nói rồi, anh quay sang, lấm lét nhìn cô vợ mặt lạnh như tiền...
1.
Đôi vợ chồng đó tuổi chưa quá 30. Anh chồng tên T. (29 tuổi) đầu gần như cạo trọc, để râu ria xồm xoàm trông khá “ngầu”. Cô vợ tên B. (24 tuổi) cao lớn hơn chồng, mặt mũi trông rất nhu mì. Ấy vậy nhưng trước tòa, anh chồng thiệt thà, mềm dẻo bao nhiêu thì cô vợ lại tỏ ra sắc sảo, quyết liệt bấy nhiêu. Cô chối phắt những gì mà chồng và gia đình chồng cho là “bạo hành” với người đầu ấp tay gối.
Quê ở huyện Tây Sơn, họ kết hôn năm 2011, sau đó vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. T. mở ga-ra trên đất mà cha mẹ đã mua cho. Năm 2013, đôi vợ trẻ có đứa con đầu lòng. Bởi là ông chủ ga-ra nên T. thường phải ra ngoài giao thiệp, và “lai rai” với khách mỗi khi thực hiện xong hợp đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến cô vợ trẻ nổi ghen, kình cãi, rồi... “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chồng.
Trong đơn ly hôn, anh T. chỉ nêu ngắn gọn tính tình không phù hợp và bị vợ bạo hành, nhưng ra đến phiên tòa, trước những câu hỏi của hội đồng xét xử, thì việc anh bị bạo hành ra sao mới được làm sáng tỏ.
Theo lời khai của mẹ anh T. trong phiên tòa phúc thẩm thì con dâu của bà cực kỳ nóng tính và rất dễ bị kích động. Đã nhiều lần B. vác dao rượt chồng chạy cho đến xanh xám mặt mày. Đặc biệt, có lần B. cắn sứt luôn một miếng thịt trên vai chồng. Cũng một vài lần trong cơn kích động, B. “nổi lửa” thiêu vài chiếc xe máy để trong xưởng ga-ra. Khi chính quyền địa phương đến lập biên bản, B. ngang ngạnh không chịu ký. Thậm chí, để “thị uy” chồng, cô vợ này còn dám mang con đặt ngay dưới gầm xe tải (đang đứng), đòi mua thuốc chuột về “suốt” hết nhân viên trong xưởng ga-ra khiến mọi người khiếp vía.
Gia đình hai bên đã nhiều lần khuyên giải B. không nên quá hung dữ, bạo liệt như vậy, song chỉ được vài tháng sau thì B. lại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với chồng. Không chấp nhận con dâu dữ, gia đình T. đã gửi trả con dâu về nhà sui gia ở huyện Tây Sơn; và sau gần 1 năm ly thân, T. làm đơn xin ly hôn vợ. Tuy nhiên, B. không chấp nhận, tìm mọi cách tránh né, không dự các phiên hòa giải ở cấp sơ thẩm. Cấp sơ thẩm xử họ ly hôn, cô kháng cáo.
2.
Trong phiên tòa này, anh T. lấm lét nhìn vợ, nói với Hội đồng xét xử: “Đề nghị tòa cho tôi được ly hôn chứ tôi bị cô ấy đánh đập nhiều lắm rồi. Giờ tui chịu hổng nổi nữa”. Ngược lại, B. trước sau vẫn không chịu ly hôn, phủ nhận mọi lời “tố” bạo hành chồng, trừ một lần cô thừa nhận... đánh chồng chỉ vì T. đi dự đám cưới, sau đó hát karaoke về khuya mà không chịu nghe điện thoại của vợ.
Căn cứ thực tế diễn ra tại phiên tòa, những thành viên trong Hội đồng xét xử đều chung nhận định rằng cô vợ này quả thật hung dữ, và tuyên xử cho người chồng được ly hôn.
Một thành viên trong Hội đồng xét xử hóm hỉnh nhận xét: “Có lẽ anh chồng để bộ râu trông “quằm xừ” dữ dằn như vậy cốt để dọa vợ, nhưng bất thành”. Nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết thêm: “Kết thúc phiên tòa, chúng tôi đã phải dặn cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải để ý canh chừng cho đến khi họ ra khỏi tòa án, đề phòng cô vợ ấy hành động bất thường”. Việc đề phòng này kể ra cũng không phải là thừa bởi chừng hai tuần trước, ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, sau phiên tòa xử ly hôn, do kình cãi chi đó, cô vợ đã rút dao đâm chết tại chỗ người đàn ông vừa ly hôn xong.
3.
Nữ thẩm phán, chủ tọa phiên tòa kể, đây là “ca” vợ dữ thứ hai chị gặp trong hơn 20 năm ngồi ghế thẩm phán xử các phiên tòa ly hôn. “Ca” trước là vụ ly hôn chia tài sản xảy ra đã khá lâu ở một xã biển thuộc huyện Hoài Nhơn.
Nữ thẩm phán này kể lại: “Hôm ấy, đoàn chúng tôi xuống định giá tài sản chung (để phân chia tài sản-PV) ở phía nhà chồng của cô ấy. Giữa một đám đông người thân gồm cha mẹ, anh em và họ hàng phía chồng, cô vợ ấy cưỡi xe máy xuống dưới đó một mình để chứng kiến việc thẩm định tài sản. Thấy cô ấy từ đằng xa, phía nhà chồng xì xầm to nhỏ, gọi cô ấy là con nọ con kia, nhưng lạ thay cô ấy đi đến đâu thì mọi người đều dạt ra đến ấy, tiếng xì xầm cũng nhỏ lại...
Sau khi định giá xong, lúc đoàn định giá lên ô tô chuẩn bị về, tôi thấy cô ấy đang dắt bộ xe máy, lốp xe đã bị ai đó đâm thủng. Lúc này, tôi mới nói với anh cán bộ tư pháp xã: “Coi bộ cô ấy dũng cảm quá, phía chồng đông áp đảo như vậy, mà vẫn xăm xăm, oai dũng tiến vào cứ như đi vào chốn không người”. Đến lúc này anh cán bộ mới nói: “Ôi chị ơi, cô ấy là con võ sư có tiếng ở đây đấy. Đã thượng đài nhiều bận rồi. Thắng hết, chưa thua trận nào cả”.
Quá tò mò, trong khi tiến hành các thủ tục ly hôn, tôi đã hỏi thăm cô ấy: “Bộ em có võ hả”. -”Dạ”. “Có đánh chồng thiệt không?”. “Cũng vài lần thôi ạ”. Nói rồi, cô ấy kể ban đầu người chồng ra vẻ hiếp đáp, định đánh vợ nên cô ấy mới tự vệ. Chẳng cần làm gì nhiều, chỉ vài miếng là anh chồng đo ván nằm thẳng ở dưới giường, không gượng dậy nổi nữa. Vài lần vậy, anh chồng không dám “động thủ” với vợ nữa. Phía nhà chồng dù không ưng bụng cô con dâu này nhưng có nói hành nói tỏi gì thì cũng chỉ đứng xa xa mà nói.
4.
Tôi đem chuyện vợ dữ kể lại cho một chánh án huyện nọ, cứ ngỡ rằng anh sẽ bênh vực cho phái mạnh, ngờ đâu đúc kết từ kinh nghiệm thực tế xét xử, anh nhận xét: “Vợ dữ xuất phát từ nhiều nguyên do, trong đó, không loại trừ nguyên nhân từ phía người chồng: bê tha nhậu nhẹt, hay ra ngoài giao dịch làm ăn, rồi sinh chuyện “lòng thòng””. Tuy nhiên, với những hành động mà cô vợ trẻ ở huyện Tây Sơn đã thể hiện, thì anh chỉ biết lắc đầu: “Bó tay”!
NGUYỄN SƠN