Dự án Sinh kế nông thôn bền vững:
Hỗ trợ nông dân sản xuất và kết nối thị trường
Sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Để hỗ trợ người sản xuất, Ban quản lý (BQL) Dự án Sinh kế nông thôn bền vững (DA SKNTBV) tỉnh cùng ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục giúp nông dân xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất.
Mở rộng quy mô sản xuất
Năm 2014, BQL DA SKNTBV tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhóm nông dân cùng sở thích (NDCST) sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 huyện Tây Sơn và Tuy Phước mở rộng diện tích; đồng thời phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn thành lập 2 nhóm NDCST sản xuất RAT tại xã Hoài Thanh Tây và thị trấn Tam Quan. Bên cạnh đó, BQL DA còn hỗ trợ các đơn vị quảng bá sản phẩm và kết nối với các siêu thị trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, tại thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), xã Phước Hiệp (Tuy Phước), xã Hoài Thanh Tây và thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) có 9 nhóm NDCST sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập với khoảng 100 nông hộ tham gia sản xuất trên 10 ha rau. Riêng tại HTXNN Thuận Nghĩa - thị trấn Phú Phong, có 65 nông hộ của 3 nhóm NDCST sản xuất 10 loại rau xanh khác nhau theo tiêu chuẩn VietGAP, trên diện tích 4 ha, để cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Quách Văn Cầu, Chủ nhiệm HTXNN Thuận Nghĩa, cho biết: Các nông hộ đã áp dụng tốt quy trình đầu tư, sản xuất và sơ chế RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm của nông dân đã được Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong 9 tháng đầu năm 2014, HTX đã thực hiện hợp đồng cung cấp rau cho siêu thị Co.opmart Quy Nhơn và các quầy rau VietGAP với tổng sản lượng gần 36,3 tấn RAT các loại. Hiện HTX đã ký hợp đồng với 15 hộ thuộc các nhóm NDCST chuyên trồng các loại rau xanh để cung cấp sản phẩm thường xuyên cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Cùng với HTXNN Thuận Nghĩa, hoạt động sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phước Hiệp, xã Hoài Thanh Tây và thị trấn Tam Quan cũng ngày càng phát triển. Riêng tại xã Phước Hiệp, trong 9 tháng đầu năm 2014, HTXNN Phước Hiệp đã cung ứng cho các siêu thị và các quầy bán RAT tại huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn gần 57,72 tấn rau các loại.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc DA SKNTBV tỉnh, cho biết: Hợp phần RAT thuộc DA SKNTBV được chứng nhận đảm bảo yêu cầu, mục đích của DA đề ra. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân các địa phương duy trì và phát triển diện tích sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nghiệm thu 3 nhà lưới và hỗ trợ thêm thiết bị cho HTXNN Thuận Nghĩa và HTXNN Phước Hiệp, giúp các đơn vị nâng cao năng lực sản xuất và sơ chế RAT. Bên cạnh đó, BQL DA sẽ tổ chức hội nghị khách hàng, giúp các HTX quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn bàn bạc, tìm giải pháp tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho 2 nhóm NDCST sản xuất RAT tại xã Hoài Thanh Tây và thị trấn Tam Quan, nhất là vấn đề tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc DA SKNTBV tỉnh - cho biết: Sản xuất và sử dụng RAT mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi vậy, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lập quy hoạch phát triển các vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Lồng ghép kế hoạch của DA với kế hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh nhằm tăng cường nguồn lực cho Hợp phần RAT và có kế hoạch nhân rộng mô hình RAT theo tiêu chuẩn VietGAP ra các huyện khác của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến nông về quy trình sản xuất RAT; tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc BVTV”.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Hùng, để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ RAT, ngành Nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: Công Thương, Y tế, GD-ĐT hỗ trợ các HTX, các nhóm NDCST tiêu thụ sản phẩm RAT ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện. Các địa phương bố trí ngân sách để đào tạo, tập huấn nông dân vùng sản xuất RAT, phối hợp với các đoàn thể vận động cán bộ, công chức, các trường học, bệnh viện, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn sử dụng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. UBND các xã, thị trấn có chính sách giao đất, cho thuê đất cho các hộ nông dân tham gia sản xuất RAT và hỗ trợ các HTX trong việc tổ chức quản lý, sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT.
Mặt khác, chính quyền các địa phương cần thường xuyên kiểm tra và giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nông dân, kiên quyết đưa ra khỏi nhóm NDCST những hộ nông dân chây ì để khỏi ảnh hưởng đối với các hộ nông dân tích cực. Các HTX có trách nhiệm xây dựng phương thức thu mua RAT hợp lý, đảm bảo mức lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất RAT so với người sản xuất rau bình thường; ký kết hợp đồng thu mua và tiêu thụ sản phẩm với từng thành viên của các nhóm NDCST để bà con yên tâm sản xuất, đồng thời chủ động và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ RAT.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ