Nhọc nhằn công nhân bốc xếp
Có mặt tại Cảng Thị Nại (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), chứng kiến những công nhân bốc xếp làm việc mới thấy hết sự vất vả, nặng nhọc của công việc bốc xếp hàng lên, xuống tàu; bởi phần lớn hàng qua cảng này hầu hết là hàng rời nên phải dùng sức người là chính.
Nghề nặng nhọc, độc hại
Nếu không đến tận nơi chứng kiến thì chưa thể hình dung được nỗi nhọc nhằn của công nhân bốc xếp. Cần cẩu bốc từng lô hàng từ bến cảng lên tàu, chỉ là chuyện nhỏ. Khi hàng đã được cần cẩu xếp vào cửa khoang tàu, lúc đó công nhân phải nai lưng ra vác từng bao một để xếp vào trong khoang. Những bóng người hối hả vác hàng đi sâu mãi vào phía trong, rồi leo lên từng bậc để xếp từng bao hàng. Mấy chục công nhân cứ thay nhau làm việc như vậy trong khoang tàu nóng ngộp và bụi bặm.
Ngược lại, hàng bốc từ tàu lên cảng cũng không kém phần vất vả, những lô hàng được bốc lên xe, công nhân phải bốc xếp lại rồi đưa vào kho, vì phải thường xuyên làm việc trong điều kiện nắng nóng và bụi mù mịt, nhất là mỗi khi bốc lô hàng xi măng.
Đang hướng dẫn cho các công nhân bốc từng bao mì lát từ xe lên tàu, công nhân Trần Thanh Hổ, Đội trưởng đội bốc xếp Cảng Thị Nại, thổ lộ: Bên này công nhân bốc hàng mì lát còn đỡ đấy. Chứ các công nhân ở đằng kia đang bốc hàng xi măng, phân bón thì vô cùng vất vả.
Công nhân Hổ cũng nói rằng nghề này rất thất thường. Cứ có tàu là làm hàng, không theo giờ giấc nào cả. Nhưng, làm đêm mất sức dữ lắm, vì ban ngày ngủ bù không ngon giấc. Hiện cảng có một đội bốc xếp nhưng chia 12 tổ, mỗi tổ có 15 công nhân, chia 4 ca làm việc trong ngày. Nghề bốc xếp được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại nên hầu hết công nhân bốc xếp đều được Công ty cổ phần Cảng Thị Nại thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định nên mọi người an tâm khi làm việc.
Đang bốc xếp từng bao xi măng lên xe, cả người lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, công nhân Mai Xuân Tú, Tổ trưởng tổ 1 có 10 năm gắn bó với công việc bốc xếp hàng tại cảng, tâm sự: “Dù được cấp phát đồ bảo hộ lao động đầy đủ nhưng làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bụi xi măng, nước từ phân bón dính vào người… ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Những ngày đầu mới vào làm tiếp xúc với bụi xi măng, nước chảy ra từ bao phân bón làm cho mũi lúc nào cũng ngạt thở, cả người ngứa ngáy không chịu được, tôi đã định bỏ nghề, tìm việc khác nhưng không có trình độ, bằng cấp nên phải gắn bó với nghề này, vì nghề chỉ đòi hỏi có sức khỏe và chịu cực”.
Thu nhập thấp
Những năm vừa qua, Cảng Thị Nại rất nỗ lực cải thiện chế độ lương, thưởng, phúc lợi... để nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên, công nhân, nhất là công nhân bốc xếp. Tuy nhiên, do tính chất công việc, do phải lao động nặng và độc hại, công nhân bốc xếp vẫn quá nhọc nhằn, trong khi thu nhập không cao. Thu nhập trung bình của công nhân bốc xếp dao động từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng, tháng nào có hàng nhiều mới có thu nhập được 4 triệu đồng/tháng.
Công nhân Phạm Hoài Linh (xã Mỹ Chánh, Phù Mỹ) gắn bó 7 năm với nghề bốc xếp tại cảng cho biết: “Mỗi ca, tổ của tôi gồm 15 người bốc từ 200 - 250 tấn hàng, có khi bốc đạt năng suất lên đến 350 tấn hàng, chia ra bình quân mỗi ca làm việc mỗi công nhân đã bốc từ 15 đến 20 tấn hàng. Vất vả, nặng nhọc vậy nhưng thu nhập còn thấp nên tháng nào nhận lương xong là tiêu hết tháng đó, không có dư mà gửi về gia đình”.
Công nhân Trần Mua, 14 năm làm công nhân bốc xếp tại cảng, cho hay: “Hàng ở đây bốc xếp đều dùng sức người là chính nên rất khó mà đạt năng suất để công nhân có thu nhập cao”.
Ông Trần Công Triệu, Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thị Nại, chia sẻ: “Cảng đang trong quá trình đầu tư, nên sản lượng hàng hóa thông qua cảng còn thấp, trung bình mỗi năm có 750 ngàn tấn hàng thông qua cảng. Cảng chủ yếu xuất, nhập hàng rời như: xi măng, phân bón, tinh bột sắn, gỗ… do vậy công việc xếp dỡ hàng dùng thủ công là chính. Đơn giá xếp dỡ hàng hóa còn thấp nên thu nhập của công nhân thấp. Không chỉ riêng công nhân bốc xếp thu nhập thấp mà kể cả cán bộ quản lý, nhân viên của cảng cũng có thu nhập thấp. Hy vọng thời gian tới, sản lượng thông qua cảng nhiều hơn thì lúc đó thu nhập của công nhân cao hơn, xứng đáng với sức lao động mà họ đã bỏ ra”.
NGUYỄN PHÚC