Cai nghiện ma túy: Vướng mắc cần tháo gỡ
Thực tế công tác phòng chống tội phạm ma túy thời gian vừa qua cho thấy, số người nghiện đang gia tăng và công tác phòng ngừa đang gặp nhiều khó khăn.
Lý giải cho thực tế đáng ngại này, Thượng tá Trương Minh Ngọc, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, CA tỉnh, nói: “Hầu hết các đối tượng mua bán ma túy bị bắt đều là bị nghiện. Đối tượng nghiện tăng đồng nghĩa với gia tăng tội phạm ma túy. Muốn ngăn ngừa tội phạm này thì việc cai nghiện vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác này đang bị chững lại”.
Việc cai nghiện có 2 dạng: tự nguyện và bắt buộc, trong đó đa phần là bắt buộc. Tuy nhiên, việc cai nghiện bắt buộc hiện có sự thay đổi. Trước đây, thẩm quyền xét, quyết định đưa người nghiện đi chữa bệnh thuộc UBND cấp huyện. Từ 30.12.2013, theo Nghị định 221 của Chính phủ, thẩm quyền này chuyển giao cho tòa án cấp huyện, khi nhận được hồ sơ đề nghị của phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Từ đó đến nay đã gần giáp năm nhưng không có thêm đối tượng nghiện ma túy nào bị đưa đi cai nghiện vì các cơ quan liên quan còn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên. Trong khi đó, một số bệnh nhân đang cai nghiện bắt buộc trước khi có Nghị định 221 nhưng chưa hết hạn bắt đầu nảy sinh “tư tưởng”. Đã có trường hợp tìm cách trốn khỏi nơi chữa bệnh.
Trong khi việc cai nghiện bắt buộc đang có những vướng mắc thì cai nghiện tự nguyện vẫn hết sức hạn hữu, bởi nhiều nguyên do. Thứ nhất là các gia đình khi phát hiện người thân bị nghiện thường có tâm lý sợ lộ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến gia đình nên cố giấu kín, tìm cách cai nghiện tại nhà chứ không đến trung tâm. Thứ hai, các bậc cha mẹ vì thương con thái quá, lo rằng khi đưa vào trung tâm cai nghiện sẽ khổ sở, thiếu thốn nên... thôi. Thật ra, cai nghiện tại nhà cũng là một giải pháp tốt, từng được cơ quan chức năng tính đến. Một số phường ở Quy Nhơn đã triển khai thí điểm công tác cai nghiện tại cộng đồng, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở phối hợp cùng gia đình, tuy nhiên kết quả không được như mong muốn bởi gia đình các đối tượng nghiện không hề muốn thấy sự xuất hiện của nhân viên y tế chuyên trách cai nghiện ở nhà mình vì sợ xấu hổ với láng giềng.
Phân tích thêm để tìm giải pháp cho vấn đề này, thượng tá Trương Minh Ngọc nói: “Trong khi chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về cai nghiện bắt buộc, tôi cho rằng quan trọng nhất là ý thức của người nghiện và gia đình họ. Cai nghiện tại cộng đồng cũng tốt, nếu có phương pháp phù hợp và quyết tâm cao. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung, có uy tín và kinh nghiệm. Ở môi trường quản lý chặt chẽ, cách ly được với nguồn cung cấp chất ma túy, có đủ phương tiện, dụng cụ thì việc cai nghiện may ra mới mang lại kết quả, mới mong trả lại cho gia đình và xã hội những công dân khỏe mạnh, hữu ích”.
HỒNG NGỌC