Lênh đênh đời thủy thủ
Lênh đênh trên biển hàng năm trời, thủy thủ viễn dương phải đối mặt với sóng dữ, bão tố, cướp biển, tai nạn bất ngờ, thậm chí bị nợ lương. Sau những chuyến biển dài ngày, nhiều thủy thủ đã có ý định bỏ nghề. Nhưng rồi vì kế mưu sinh, họ vẫn chấp nhận đánh cược sinh mệnh của mình với biển.
Những năm 80 của thế kỷ trước, thủy thủ viễn dương là nghề “hot”, là ước mơ với biết bao người. Giờ đây, nhắc đến nghề này, ai cũng nghĩ ngay đến những từ: nặng nhọc, gian nan, nguy hiểm, bất trắc. Với thủy thủ, vài tháng, thậm chí đến cả năm lênh đênh trên biển, đối mặt với bất trắc là bình thường. Nghề “đi tàu” không còn được chuộng như trước.
Nghề gian nan, nguy hiểm
Thủy thủ Văn Bá Xịn (29 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cùng các thủy thủ khác vừa thoát nạn sau vụ tàu Trường Hải (Bình Định) vừa gặp nạn. Tàu chở 900 tấn quặng sắt xuất phát từ cảng Quy Nhơn ra khỏi bờ khoảng 15 hải lý thì tàu bị nghiêng 30 độ, thuyền trưởng phải cho tàu đâm vào bãi cát Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) để giảm tổn thất vào chiều 18.10 vừa qua. Thủy thủ Xịn mới có 4 năm gắn bó với tàu Trường Hải, nhưng đã kịp có tới 2 lần được cảm nhận nghề thủy thủ gian nan và nguy hiểm như thế nào. Ngoài lần vừa kể, tháng 7.2014, tàu đang neo tại vịnh Khâm Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) thì gặp bão Rammasun; gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 có lúc như muốn nhấn chìm tàu. Anh em thủy thủ trên tàu phải cho nổ máy liên tục để chống chọi lại với những cơn sóng lớn. Đến khi bão tan, anh em thủy thủ mới dám tin là mình còn sống sót.
Thân hình chắc lẳn, nước da rám nắng, vẻ mặt buồn rầu, thủy thủ Xịn nhớ ngày đầu đi biển khi vừa ra khỏi phao số 0, gặp sóng to, tàu lắc lư, anh say sóng nôn ra “mật xanh, mật vàng”. “Ngày ấy, ngồi trên bờ thấy sóng yên, biển lặng không thể tưởng tượng lên tàu sóng đánh nghiêng ngả. Say sóng, cứ ăn vào lại nôn thốc nôn tháo, lúc đó tôi chỉ ước ao tàu quay về bờ. Giờ lênh đênh giữa đại dương cả tháng trời, tôi đã quen với sóng to, gió lớn, rủi ro, nguy hiểm rình rập”, anh Xịn thổ lộ.
Chia sẻ những vất vả trong nghề đi biển, anh Lê Văn Anh (47 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), trước khi làm thủy thủ tàu Trường Hải, đã có 24 năm gắn bó với các tàu chở hàng đi các nước Đông Nam Á, chuyến đi biển dài ngày nhất của anh là 5 tháng 17 ngày mới được về nhà. Thủy thủ Anh cho biết, những chuyến tàu dài ngày gặp gió mùa, biển động, sóng đánh trùm lên cả boong tàu, ai cũng quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào, nhất là những người mới vào nghề. Say xe thì chỉ vài giờ lúc xe chạy, chứ đi biển thì có khi say triền miên ngày này qua ngày khác theo hải trình, đến khi nào không say được nữa thì thôi.
Ngồi bên cạnh, thủy thủ Mai Xuân Quốc (TP Quy Nhơn), có 21 năm gắn với nghề đi biển, giờ anh là máy trưởng tàu Trường Hải góp thêm chuyện nguy hiểm của nghề. Anh là một trong 4 thủy thủ (thuyền trưởng, máy trưởng, đại phó và chủ tàu) dũng cảm ở lại tàu Trường Hải để tiếp tục điều khiển tàu quay lại cảng Quy Nhơn trong tình trạng tàu bị nghiêng 30 độ, có nguy cơ bị chìm. Máy trưởng Quốc tâm sự: “Thật sự lúc đó anh em trên tàu cũng nao núng lắm, nếu ở lại thì tàu có nguy cơ bị sóng lớn đánh chìm, không những tàu bị chìm mà tính mạng của các thủy thủ không thể bảo toàn. Cũng may sau khi thông báo cứu nạn khẩn cấp, tàu SAR 412 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng MRCC) có mặt kịp thời để ứng cứu. Lúc đó, các thủy thủ mới có thêm tự tin để đưa tàu đâm vào bờ, còn không anh em chúng tôi bỏ tàu lại giữa biển, thì con tàu đã bị sóng nhấn chìm không những thiệt hại lớn mà còn gây ô nhiễm vì tràn dầu. Giờ ngồi đây hình dung lại, thủy thủ chúng tôi vẫn còn rùng mình”.
Đời thủy thủ thường xuyên gặp những bất trắc.
- Trong ảnh: Tàu SAR 412 đang cứu các thủy thủ tàu Trường Hải gặp nạn vào chiều 18.10.2014.
Xa nhà biền biệt, con quên bố
Anh Nguyễn Tấn Hùng (50 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), sĩ quan máy tàu Trường Hải cũng có 20 năm làm thủy thủ lênh đênh trên biển. Trước đây anh là thủy thủ của tàu Quang Trung (Bình Định) rồi qua tàu Vũ Anh Hưng (Khánh Hòa)… anh mới chuyển về làm thủy thủ cho tàu Trường Hải được 4 năm nay. Thủy thủ Hùng kể trong những năm tháng đi làm thủy thủ thì gia đình xảy ra 3 việc lớn nhưng anh đều vắng mặt. Đó là năm 1994 khi tàu đang nhận hàng ở Bến Tre chuẩn bị đi Trung Quốc thì ở nhà vợ sinh đứa con thứ hai, đến khi về thì con đã giáp năm. Lần thứ hai bố vợ mất vào năm 2007 thì tàu đang ở Trung Quốc, chờ nhận hàng nên không về kịp. Năm 2010, mẹ ruột mất khi tàu đang ở Hải Phòng cũng không kịp về để chịu tang cho mẹ. Kể xong anh Hùng đúc kết: “Ngẫm kỹ thì thấy đời thủy thủ khiến chính mình đôi khi thấy mình bạc bẽo lắm chú ơi. Cha mẹ mất, được báo tin, mình biết hết nhưng không về thọ tang được. Dằn vặt ghê lắm!”.
Thủy thủ Hoàng Công Nghị (33 tuổi, quê Nghệ An) có 6 năm thâm niên, từng làm việc trên 3 tàu hàng khác nhau. Giờ anh Nghị là sĩ quan boong của tàu Tuấn Dũng 26 (Nam Định), với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Trong những chuyến biển xa nhà biền biệt, anh bảo nhớ nhất là chuyến biển năm 2011, tàu chở tôn từ Sài Gòn đi Hải Phòng, khi đến phao số 0 thuộc vùng biển Quy Nhơn thì đúng thời khắc giao thừa, tàu phải neo lại giữa biển để tổ chức cho mọi người đón giao thừa trên tàu, lúc này ai cũng chảy nước mắt vì nhớ nhà.
Còn thủy thủ Hoàng Văn Triệu (47 tuổi, ở Nam Định) cũng có 26 năm gắn bó với biển, giờ anh là Đại phó tàu Trường Hải 18 (Nam Định). Trong thời gian làm thủy thủ, có hai sự việc mà anh bảo đáng nhớ nhất đó là vào năm 2000 tàu chở cao su từ Sài Gòn ra Quảng Ninh, khi đến Phú Yên thì gặp gió mạnh phải vào neo tại vịnh Sông Cầu mất một tháng. Lúc này trên tàu hết lương thực, tiền cũng hết, anh em thủy thủ phải bơi xuồng vào bờ mà xin từng cọng rau, con cá của người dân để cầm cự qua ngày, chờ chủ tàu gửi tiền vào.
Sự việc thứ hai là năm 1997, anh đi tàu hàng vòng quanh các nước Đông Nam Á, lúc anh đi con gái 3 tuổi, khi về nhà, con gái không nhận ra bố nữa. Nó cứ luôn miệng hỏi mẹ chú nào vào ở nhà mình vậy mẹ, nghe mà anh như quặn thắt. Chờ đến tối con ngủ say, anh mới dám ôm con vào lòng mà khóc.
Trót mang nghiệp vào thân
Anh Đinh Văn Chinh (38 tuổi, ở Ninh Bình), sau nhiều năm làm thủy thủ, đại phó cho các tàu hàng đi các nước Đông Nam Á, giờ đây anh là thuyền trưởng của tàu Tuấn Dũng 26. Anh bảo làm thủy thủ thời điểm này không chỉ đối phó với bão tố, cướp biển mà còn phải đối mặt với tình trạng chủ tàu chậm trả lương, nợ lương. Anh đã mất 5 tháng lương, với số tiền trên 100 triệu đồng sau khi làm đại phó cho một tàu chuyên chở hàng đi các nước Đông Nam Á, chính vì vậy mà mới chuyển sang tàu Tuấn Dũng 26. Làm việc ở tàu mới, lương thuyền trưởng của anh chỉ được 10 triệu đồng/tháng nhưng anh chấp nhận bởi không bị nợ lương, lại được về thăm nhà nhiều hơn. Anh Chinh nhớ lại, cuộc đời làm thủy thủ cho tàu hàng đi các nước Đông Nam Á, chỉ có 4 năm nhưng anh đã ăn tết xa nhà đến 3 lần, một lần đón tết tại Malaysia, một lần ở Thái Lan và một lần ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2012, một chuyến đi hàng lúc đó vợ mới sinh con được 2 tháng, khi về lại nhà thì con đã giáp năm. Làm nghề thủy thủ cứ lênh đênh trên biển miết thiếu thốn tình cảm gia đình lắm, nhiều lúc muốn bỏ nghề tìm việc gì làm cho gần nhà nhưng khó quá, nó như cái nghiệp đã vận vào thân.
Cũng vì xa nhà biền biệt, thủy thủ Lê Văn Anh đã 2 lần bỏ biển lên bờ, mỗi lần ở bờ được 3 năm để đi làm công nhân gỗ nhưng rồi anh phải quay lại biển, vì công việc không phù hợp. Còn thủy thủ Văn Bá Xịn đã lên bờ một năm tìm công việc khác làm, với mục đích cưới vợ nhưng rồi không có việc gì làm, lại nhớ biển nên anh quyết định quay lại nghề cũ.
Đằng sau những con sóng rẽ, đời thủy thủ cũng có nhiều câu chuyện buồn vui, mà có lẽ buồn nhiều hơn vui. Nhất từ khi xảy ra chuyện tàu Vinalines Queen bị chìm vào tháng 11.2011 làm 18 thủy thủ mất tích; hoặc mới đây, đầu tháng 10.2014, chuyện tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công, chiếm tàu, cướp tài sản, thủy thủ phải tìm cách chiếm lại, lái tàu về Việt Nam, về đến nơi lại vướng vào mối hồ nghi “có đúng là bị cướp hay không” khiến nhiều người rất khó nguôi ngoai.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC
đang học lái tàu mà mấy chú (anh) nói hết muốn đi biển