Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Không quá lo chuyện FDI giảm”
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm 2014 giảm so với cùng kỳ, song vị tư lệnh ngành khẳng định không nên so sánh giữa con số của năm này với năm kia.
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 26.10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những trao đổi xung quanh việc vốn FDI năm 2014 giảm, quản lý vốn đầu tư công cũng như việc tính GDP của các địa phương.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định năm 2014 thu hút vốn FDI vẫn đạt khoảng 14 - 15 tỷ USD
* 9 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều dự án triệu USD, tỷ USD bỏ hoang. Trước những thông tin này, Bộ trưởng có thấy sốt ruột không?
- So với cùng kỳ năm trước, đúng là thu hút vốn FDI hụt khoảng 25%. Tuy nhiên, chúng ta không nên và thế giới cũng không ai làm những điều như chúng ta đang làm, đó là so sánh thu hút FDI cùng kỳ năm nay với cùng kỳ năm ngoái.
Thu hút FDI như việc bắc nước chờ gạo người. Việt Nam làm hết mình để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quyết định đầu tư hay không không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực và mong muốn chủ quan, bởi đây là nhà đầu tư nước ngoài. Họ đang chịu rất nhiều tác động, trong đó có tác động từ chính tập đoàn, công ty ở nước sở tại. Việc bị vỡ nợ, sa lầy vào những khó khăn của tập đoàn mẹ khiến họ không đủ khả năng ra nước ngoài đầu tư, phải co cụm lại.
Do đó, đánh giá đầu tư nước ngoài phải cho giai đoạn 5 năm mới phù hợp. Tôi lấy ví dụ năm 2013, tại sao thu hút vốn FDI của Việt Nam lại lên tới 22 tỷ USD, đó là do chúng ta có những dự án rất lớn, người ta nghiên cứu nhiều năm rồi và đến thời điểm 2013 mới đồng loạt xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, ví dụ như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Samsung.
Năm nay, chúng ta không có những dự án như vậy, nhưng nếu lại so sánh cái của năm nay với năm ngoái thì chắc chắn chúng ta bị rối đầu. Năm nay, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng thu hút FDI vẫn có thể đạt được mức 15-16 tỷ USD.
Nhưng dù vậy, tôi cho rằng việc so sánh giảm 25%, hay giảm bao nhiêu phần trăm sẽ là không chính xác và chúng ta không băn khoăn nhiều quá về việc này mà cần phải so sánh theo giai đoạn.
Trước đây vài năm, Tập đoàn Sama Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có xin thành đặc khu kinh tế tại Phú Yên. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được do khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, cũng có một số dự án ảo do các nhà môi giới quốc tế làm vì những mục đích khác mà thực tế không có năng lực.
Do vậy, có thể nói những dự án treo không chỉ phụ thuộc vào chúng ta mà còn phụ thuộc vào cả chính nhà đầu tư và tình hình kinh tế, chính trị của nước họ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương thận trọng khi tiếp cận các dự án lớn và báo cáo Chính phủ.
Chuyện các dự án này gây lãng phí thì cũng có nhưng chưa nhiều bởi chủ yếu chỉ trên chủ trương, còn chưa có giải phóng mặt bằng và không để đất hoang.
* Vừa qua có thông tin chính sách đầu tư công trung hạn sẽ xóa cơ chế xin cho, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn làm thế nào mà ông tin tưởng có thể xóa cơ chế xin cho trong đầu tư hay không?
- Trước hết phải nói rằng nhu cầu đầu tư của các địa phương rất lớn trong khi khả năng ngân sách lại rất hạn chế. Khi địa phương quyết định làm một dự án thì phải biết lấy tiền ở đâu, không thể ký quyết định đầu tư một dự án rồi trông chờ đi chạy vốn, từ đó tạo ra nhu cầu vốn lớn và bức xúc.
Để giải tỏa việc này, làm hiệu quả hơn thì đầu tiên phải xem ngân sách địa phương và ngân sách trung ương có bao nhiêu tiền, sau đó chọn lựa những dự án quan trọng nhất, mang tác động lan tỏa cho cả vùng, cả nước thì mới quyết định đầu tư. Như vậy, vốn ít nhưng đầu tư sẽ hiệu quả. Bên cạnh đó, trước khi ký quyết định đầu tư, phải xem lại chủ trương và đề ra một thời hạn quy định, đảm bảo dự án sẽ có hiệu quả.
Một trong những vấn đề để công khai minh bạch và sử dụng hiệu quả hơn vốn đầu tư chính là kế hoạch đầu tư trung hạn. Chúng ta phải tính toán, dự báo được vốn đầu tư công trong 5 năm, gắn nguồn lực này với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của địa phương cũng như của bộ ngành.
Chính phủ cũng phải công bố kế hoạch giao vốn trong 5 năm cho các địa phương, chẳng hạn thông báo một tỉnh A năm tới có từng này tiền thì chắc họ sẽ không cần phải chạy chọt mà sẽ sắp xếp xem nên làm thế nào và như thế nào sẽ có hiệu quả. Do đó, vấn đề ở đây là minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Quốc tế đã làm như vậy, vốn ODA chúng ta cũng phải làm dự toán bao nhiêu tiền để nhà tài trợ mà biết cung cấp đủ vốn.
Nếu làm được như vậy, các địa phương và doanh nghiệp đều yên tâm. Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp căn cơ nhất, nền tảng tốt nhất để hạn chế việc xin cho, nhũng nhiễu trong việc giao vốn.
* Đây có phải là lý do cơ bản nhất mà Bộ trưởng khẳng định ngăn chặn được việc đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát không? Bộ trưởng có tự tin với khẳng định này không?
- Vừa qua, vốn ngân sách trung ương phân cho các địa phương đã được kiểm soát tương đối chặt chẽ theo quy định của Nghị định 1792, nghĩa là việc giao vốn đã hiệu quả hơn. Đây là điều chắc chắn.
Còn ngân sách địa phương thì hiện nay các địa phương đang tự quyết. Tuy nhiên, để đầu tư công đi vào khuôn khổ, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất công bố cho các địa phương tổng mức đầu tư ngân sách 3 năm (2013 - 2015) và gần đây nhất là tổng vốn đầu tư cho các địa phương, bộ ngành giai đoạn 2014 - 2015. Nhưng cả giai đoạn 2014 - 2015 đều không cân đối đủ số tiền này. Nếu chúng ta tiếp tục để vấn đề này xảy ra, hiệu lực của đầu tư công sẽ giảm sút.
Tôi nghĩ rằng từ địa phương đến bộ ngành, đặc biệt là Chính phủ nếu thực sự đầu tư nhằm thực hiện theo hướng này thì chắc chắn có hiệu quả, và một ngày không xa đầu tư của Việt Nam sẽ vào khuôn khổ chung như các nước. Lúc đó các nguồn đầu tư, kể cả dự án của ngân sách trung ương, hay ngân địa phương sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn. Tôi hoàn toàn tin Việt Nam sẽ làm được điều này trong thời gian tới.
* Đến Thủ tướng cũng khẳng định cách tính GDP của tỉnh thành hiện nay không đúng với thực tế và so với quốc tế thì không giống ai. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết đến khi nào có thể cho người dân thấy bức tranh thật nhất về nền kinh tế?
- Đúng là trên thế giới không ai giống Việt Nam về cách tính GDP tỉnh thành vì tuyệt đại đa số các nước không tính GDP cho địa phương mà chỉ tính cho quốc gia. Hiện nay phương pháp tính GDP của các địa phương trùng với các tính do Liên hợp quốc hướng dẫn, nên về phương pháp tính thì không có gì khác với Tổng cục thống kê trung ương. Song cũng xảy ra một số vấn đề.
Thứ nhất là địa phương tính GDP không chính xác bởi có nhiều khoản bị tính trùng, tính sót. Tài khoản quốc gia tính theo phạm vi toàn quốc, ví dụ như ngân hàng, không thể phân bổ chi phí cho ngân hàng 63 tỉnh thành, dẫn tới trường hợp bị trùng, hay là thuế, bảo hiểm và rất nhiều hoạt động quốc phòng an ninh.
Thứ hai là số liệu đầu vào không chính xác ở nhiều địa phương, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân là chúng ta xây dựng kế hoạch, Nghị quyết đại hội các cấp xác định tăng trưởng từng này, tăng trưởng từng kia. Nhưng khi không thể thực hiện được mục tiêu đó thì con số vẫn là áp đặt.
Do vậy, quan điểm của chúng tôi là dần dần sẽ chỉ tính GDP của quốc gia. Nếu muốn có chỉ số để đánh giá tăng trưởng của địa phương thì từ năm 2016, Thủ tướng đã đồng ý với đề án của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là địa phương sẽ cung cấp số liệu và Tổng cục thống kê trung ương sẽ tính GDP cho địa phương. Từ đó, việc phân bổ các chi phí như ngân hàng, bảo hiểm sẽ sát với thực tế.
* Tức là đến năm 2016, người dân sẽ được xem những con số thật nhất và chuẩn nhất của nền kinh tế?
- Chúng ta chỉ có con số tăng trưởng toàn quốc, còn các địa phương ở mức tương đối, nhưng dù sao cũng sát hơn rất nhiều.
Theo Huyền Thư (VnExpress)