Mùa rớ đêm
Tháng năm, nước ở các hồ chứa và khe suối cạn xuống sát đáy, nhiều cồn bãi nhô lên phơi mình dưới trăng. Đó cũng là lúc mùa rớ đêm bắt đầu. Tuổi thơ tôi đã có nhiều đêm theo mẹ đi cắt rớ tới tận khuya lắc mới về nhà.
Mẹ chuẩn bị cho mẻ rớ đêm từ lúc mặt trời bắt đầu xuống núi. Công việc đầu tiên mà mẹ làm là rang cám cho tới khi cháy vàng, thơm lừng làng trên, xóm dưới rồi cho vào ít nước để làm thính. Cám rang làm thính hạt cám không được mịn và phải trộn với một ít mằn thóc để khi thả xuống nước không tan ra nhanh và vung vãi ra ngoài rớ. Tiếp theo, mẹ kiểm tra lại cần rớ, gọng rớ và vải rớ xem có bị rách không. Vì chỉ cần vải rớ rách một lỗ nhỏ bằng ngón tay là tép có thể lọt ra ngoài.
Vải dùng để làm rớ phải có màu nâu sẫm, gần giống với màu bùn, phần lớn là những cái màn cũ được đưa ra tận dụng. Bốn góc của tấm vải được buộc chặt vào bốn gọng tre.
Cha tôi cũng góp phần không nhỏ để mẹ có những chiếc rớ bền và dẻo. Cha chọn những cây tre vừa già, bên trong không đặc ruột, các mắt tre cách nhau hơn một gang tay để làm gọng rớ. Gọng rớ được vót trơn nhẵn, dài khoảng 2,5 mét. Để gọng rớ bền và dẻo, dùng được lâu thì thường tre dùng để vót gọng được ngâm dưới bùn khoảng nửa năm.
Nơi đặt rớ là những vùng nước sát bờ, người đi sớm thì chọn được chỗ trâu mới tắm buổi chiều, hoặc ở nơi gần các bến giặt, bến rửa cỏ, những nơi ấy tôm tép thường dạt vào ban đêm để tìm thức ăn rơi vãi và bám vào vách đá cho tới tận sáng hôm sau.
Mỗi mẻ rớ được cất lên cách nhau chừng 30 phút. Khi cất rớ phải nhẹ nhàng nhưng thật nhanh để tôm, tép không bật ra ngoài. Lúc giũ tôm, tép vào rổ cũng phải thật khéo léo để không để sót con nào còn bám trên rớ. Rổ đựng tép được ràng một lớp cành ổi, cành xoan… để tép không bật ra ngoài. Những mẻ rớ đêm cuối cùng giơ lên là lúc trời đã sang canh, trăng xuống dần phía sau núi. Mẹ tôi thu dọn đồ nghề và gọi tôi dậy về.
Những chiến lợi phẩm mà mẹ tôi có được sau những mẻ rớ đêm đủ các loại: tôm, tép, cá mại, cá rô, cá thia lia, cá cánh cam, cá cấn, cá bống, cua và muỗi mắt. Tôi thường dõi đèn cho mẹ nhặt rác và muỗi mắt. Xong đâu đấy, mẹ nấu một ít tôm, tép còn tươi chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau, số còn lại được đổ vào chiếc nia, chờ sáng mai nắng lên đem phơi để nấu canh chua ăn dần…
Bây giờ, quê tôi thi thoảng vẫn còn những người cắt rớ đêm, nhưng tôm, tép không còn nhiều như xưa nữa. Những người cắt rớ đêm hôm nay cũng không còn gọi nhau ý ới, xin thính, mượn cần rớ… Vì họ là những mảnh đời quá nghèo khó, thui thủi trong đêm kiếm sống qua ngày. Xa lắm rồi cái thời rớ đêm trở thành mùa rớ như tôi vẫn nhớ.
ĐẶNG THIÊN SƠN