Tự tin trên “đất của mình”
Được hỗ trợ cấp miễn phí giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), nhiều hộ gia đình đồng bào miền núi vui mừng và tự tin hơn với các dự định làm ăn, ổn định cuộc sống.
Tháng 9.2013, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với UBND huyện Vân Canh hỗ trợ 71 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn 5 làng (Suối Mây, Đăk Đâm, Hiệp Giao, Hiệp Hà, Canh Tân) của thị trấn Vân Canh làm các thủ tục để được cấp 100 giấy CNQSDĐ. Đây là hoạt động thuộc dự án “Trao quyền pháp lý cho công dân chưa được cấp quyền sử dụng đất nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật”, do Hội Luật gia Việt Nam khởi xướng với sự tài trợ của Quỹ UNDP (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc).
Cầm sổ thấy chắc tay!
15 năm định cư tại làng Hiệp Giao, nhưng đến năm ngoái, ông Nguyễn Thanh Bình (56 tuổi) mới sở hữu giấy CNQSDĐ. Ông Bình tâm sự: “Cầm quyển sổ đỏ thể hiện quyền sở hữu mảnh đất mình được Nhà nước cấp, vui không gì bằng. Trên sổ ghi rõ ràng tên vợ chồng mình nên thấy chắc tay, chắc bụng hơn!”.
Khoe với chúng tôi về giấy CNQSDĐ sản xuất vừa được cấp cùng thời gian với ông Bình, anh Lê Văn Ổi (39 tuổi, ở làng Đăk Đâm) vui vẻ bắt chuyện. Năm 2010, anh đã được hướng dẫn làm giấy CNQSDĐ cho 3 mảnh đất rừng sản xuất. Sang 2013, anh tiếp tục được miễn phí làm CNQSDĐ 3 mảnh đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm còn lại. Anh thật thà: “Bà con mình vốn thiệt tình nên chuyện lấn đất sản xuất của nhau chẳng đáng kể. Nhưng tính tôi cũng hay nghĩ xa. Được cấp sổ đỏ rồi lại thấy an tâm bởi nhờ nó mà quyền lợi trên mảnh đất cha ông tôi để lại hoặc do chính công sức phát quang mới được đảm bảo. Giờ nó là của mình, mai này, có công trình gì của Nhà nước hay tư nhân đi ngang qua, mình mới được đền bù thỏa đáng”.
Không chỉ an tâm vì đất ở, đất sản xuất nay đã “chính chủ”, các hộ người đồng bào thị trấn Vân Canh đã được cấp sổ còn thấy vững vàng hơn trong những dự định nhằm ổn định cuộc sống. Ra riêng đã 7 năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dững và chị Mai Thị Lế (ở làng Đăk Đâm), vẫn ấp ủ một vài dự định để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài vay vốn theo diện chính sách để trồng trọt, chăn nuôi, anh Dững còn nghĩ đến hướng sẽ thế chấp sổ đỏ, vay được nguồn vốn kha khá hơn để làm ăn. Không sợ thiếu vốn làm ăn như trước, vợ chồng anh thêm vững dạ.
Tiếp tục hỗ trợ đồng bào quyền làm chủ đất
Bao năm qua, chuyện “đất của mình” trong nếp nghĩ của người đồng bào miền núi vẫn hết sức đơn giản - “đất nào tôi ở, canh tác thì là đất của tôi chứ không cần giấy tờ, sổ sách gì cả”. Đến khi ý thức hơn về quyền sử dụng đất, nhiều người lại gặp khó trong thực hiện trình tự thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, về điều kiện kinh tế để đóng các khoản lệ phí khi đăng ký CNQSDĐ. Vậy nên, hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số vẫn chưa có giấy CNQSDĐ dù đã sống và canh tác trên mảnh đất ấy hàng chục năm. Ước tính, riêng thị trấn Vân Canh vẫn còn 350 hộ chưa có giấy CNQSDĐ.
Sau thị trấn Vân Canh, năm nay, Hội Luật gia tỉnh tiếp tục được Quỹ UNDP hỗ trợ để thực hiện dự án tương tự ở huyện An Lão. “Tuy nhiên, trước thời điểm dự án chính thức được triển khai, huyện An Lão đã từ chối, cho rằng địa phương không có nhu cầu về hỗ trợ cho công dân chưa được cấp CNQSDĐ. Không dễ gì để Bình Định tiếp tục là 1 trong 5 địa phương nhận được sự hỗ trợ của Dự án. Nếu huyện An Lão báo sớm hơn, chúng tôi đã có thể sắp xếp cho đồng bào ở vùng khác”, bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, cho biết.
Theo bà Xuyên, năm tới, Hội Luật gia tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án để giúp người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ pháp lý trong đăng ký cấp giấy CNQSDĐ nhà ở và quyền sử dụng đất ở. “Điều này sẽ giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình, tuân thủ đúng pháp luật về đất đai, hạn chế khiếu kiện không đúng thủ tục hoặc do hiểu sai, từ đó ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đất đai và thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương”, bà Xuyên trao đổi.
NGUYỄN MUỘI