Khó khăn trong công tác thi hành án dân sự:
“Gỡ” sao cho ra?
Trong năm 2012, tổng số tiền Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh phải thụ lý là gần 705 tỉ đồng, tăng 132% so với năm 2011. Tuy nhiên, phần có điều kiện thi hành án (THA) chỉ chiếm khoảng 13% (91/705 tỉ đồng). Hiện nay, công tác THADS gặp rất nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo THADS các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác THADS do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Hồ Quang Vinh, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, hiện Cục đang THA cho 13 ngân hàng trên địa bàn tỉnh gồm 28 việc (chủ yếu nợ quá hạn) với tổng số tiền khoảng 420 tỉ đồng. Trong số này, có đến 6 vụ việc thuộc diện khó THA với tổng số tiền 200 tỉ đồng cần có sự can thiệp của UBND tỉnh.
Tài sản đảm bảo THA không đảm bảo
Theo đánh giá chung, nguyên nhân chính dẫn đến khó thu hồi nợ vay là tài sản thế chấp được định giá rất cao so với giá trị thực tế, thậm chí có trường hợp chỉ ước đoán giá trị. Như trường hợp Công ty cổ phần K.T. (Phù Mỹ), sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đã thế chấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân hàng và được đơn vị tín dụng đánh giá trữ lượng khoáng sản hàng chục ngàn tấn để cho vay hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, thực chất thì ngân hàng không có căn cứ để đánh giá chính xác trữ lượng khoáng sản có thể khai thác (!?). Khi doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ vay đến hạn thì ngân hàng cũng chỉ có thể đưa ra tòa để được xử lý bằng một bản án và đúng lúc này giấy phép khai thác khoáng sản cũng vừa hết hạn!
Ngoài ra, việc THADS khó còn do các nguyên nhân khác nữa như: Người phải THA tìm đủ mọi cách trốn tránh trách nhiệm trả nợ, chuyển nhượng tài sản trước khi có bản án của tòa án; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có nơi, có lúc chưa được nhịp nhàng, đồng bộ, thậm chí còn có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm…
Ban Chỉ đạo THADS huyện Tây Sơn hiện đang lúng túng khi giải quyết THA đối với Nguyễn Thành Trì - Bùi Thị Thanh Xuân (4/33 Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong). TAND huyện tuyên buộc vợ chồng Trì- Xuân phải trả nợ cho các công dân trên 3,5 tỉ đồng, nhưng trong khi cơ quan THADS huyện tổ chức THA, vợ chồng họ đã bán 2 ngôi nhà, 7 lô đất và được cơ quan công chứng công chứng vào các hợp đồng. Cho rằng hành vi trên là nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, cơ quan thẩm quyền chưa cho lập thủ tục sang tên trước bạ những tài sản này, nhưng hiện UBND huyện Tây Sơn và Sở Tư pháp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết trường hợp này. Do vậy, người được THA liên tục gửi đơn khiếu kiện đến nhiều nơi.
Làm rõ trách nhiệm các vụ việc có dấu hiệu hình sự
Theo Viện KSND tỉnh, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền phải THA rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng rất khó thu hồi, chủ yếu nằm ở các ngân hàng thương mại do Nhà nước chiếm giữ lượng lớn cổ phần. Tại cuộc họp này, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, địa phương đã đặt vấn đề trách nhiệm của cán bộ tín dụng nói riêng và trách nhiệm của các ngân hàng này nói chung.
“Sắp tới, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo từng vụ việc cụ thể trên cơ sở giao cho các sở, ngành liên quan xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ðối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý”
Ông LÊ HỮU LỘC - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban THADS tỉnh
Ông Nguyễn Văn Tạng, Chánh Thanh tra tỉnh, nêu vấn đề: “Như trường hợp của DNTN Sơn Hải chẳng hạn, dù UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất năm 2005, nhưng đến năm 2010 doanh nghiệp này vẫn được ngân hàng đồng ý cho thế chấp để vay vốn. Để xảy ra việc này, trách nhiệm của ngân hàng, của Sở TN-MT đến đâu?”. Bà Võ Thị Thanh Mai, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục THADS tỉnh, cũng cho rằng việc xác minh THA cho ngân hàng hiện nay là cả một vấn đề bởi liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Chỉ một chấp hành viên thụ lý giải quyết thì không thể dám làm.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban THADS tỉnh, đã khẳng định: “Sắp tới, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo từng vụ việc cụ thể trên cơ sở giao cho các sở, ngành liên quan xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý”. Ông Lộc cũng đề nghị Trưởng Ban THADS các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường trách nhiệm đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền, không nên khoán trắng cho cơ quan THA địa phương.
Dư luận hiện nay cho rằng tình trạng nêu trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Để xảy ra điều này không thể không có trách nhiệm của các đơn vị tín dụng đã cho vay một cách vô tội vạ - như lời nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh, và tình trạng “đi đêm” giữa doanh nghiệp và cán bộ tín dụng. Vì vậy, để gỡ khó cho công tác THADS hiện nay, trước tiên cần có sự đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện vấn đề và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
THU HÀ - QUỐC THẮNG