Bởi thiếu hiểu biết...
Mới đây, TAND TP Quy Nhơn đã xử vụ án hiếp dâm mà bị cáo là sinh viên (20 tuổi); còn bị hại là học sinh THPT. Sau khi chia tay với người yêu cũ (vốn là bạn thân của bị hại), bị cáo đã đi chơi với bị hại. Sau khi cả hai chở nhau lên đèo vắng, bị cáo dùng sức mạnh để thực hiện hành vi.
Thời gian gần đây, các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc tội danh giao cấu với trẻ em, hiếp dâm... xảy ra không ít trên địa bàn tỉnh. Như chỉ riêng tại Hoài Nhơn, trong một năm rưỡi qua, xảy ra 5 vụ giao cấu với trẻ em, 2 vụ hiếp dâm. Có một điều đáng quan tâm hơn là hầu hết trong những vụ án này bị cáo và bị hại đều có mối quan hệ quen biết trước đó. Bị hại đồng ý đi chơi với bị cáo đến nơi thanh vắng; hoặc dù đã biết bị cáo đã uống rượu, bia vẫn đồng ý đi chơi. Để rồi xảy ra sự việc đáng tiếc.
Những bị cáo phạm loại tội này hầu hết còn rất trẻ và thiếu hiểu biết về luật pháp, cứ ngỡ bên kia “cho là được” mà không biết rằng mình có thể phạm vào các tội: hiếp dâm (nếu quan hệ với trẻ dưới 13 tuổi), “giao cấu trẻ em” (quan hệ với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) hoặc cưỡng dâm, hiếp dâm (dùng sức mạnh hoặc đe dọa tính mạng để thực hiện cho được hành vi). Nếu các bị cáo được giáo dục, tuyên truyền pháp luật, biết hành động nào sẽ phạm các tội danh trên, rồi mức án phạt sẽ ra sao, chắc chắn họ sẽ chùn bước hoặc không dám thực hiện đến cùng. Tương tự, các hành vi nói xấu, đưa hình ảnh cá nhân riêng tư lên facebook của thanh thiếu niên, trước hết xuất phát từ sự tức giận muốn chơi “nhau” cho bõ ghét là chính, mà không biết rằng hành vi này là đã phạm vào tội “làm nhục người khác”.
Luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cũng tỏ ra khá day dứt trước việc nhiều học sinh, sinh viên phạm tội vì thiếu hiểu biết. Luật sư Nam kể, có một nhóm học sinh THPT thiếu 50.000 đồng tiền cà phê, vì ngại làm phiền cha mẹ và vì sĩ diện, nên đã rủ nhau đi xin tiền các cặp tình nhân; khi đi họ mang theo một cục đá để phòng hờ… Hành vi mà nhóm học sinh cứ ngỡ rằng “chuyện nhỏ như con thỏ” đã bị cơ quan chức năng truy tố về tội “cướp tài sản” vì đã sử dụng hung khí nguy hiểm là cục đá. “Sau này một em trong nhóm đã nói với tôi rằng cháu không biết làm như vậy là phạm pháp, cứ nghĩ cũng giống như đi xin ít tiền vậy thôi. Nếu cháu hoặc các bạn hỏi xin cha mẹ thì làm gì đến nỗi. Một người trong nhóm đã phải đi tù khi đang học dở lớp 12. Nếu các học sinh đó có chút ít hiểu biết về pháp luật, có thể đã tránh được điều đáng tiếc - luật sư Nam chia sẻ.
Trong tình hình độ tuổi tội phạm ngày càng trẻ, mức độ và tính chất vi phạm cũng ngày một nghiêm trọng hơn, thiết nghĩ, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, người tuyên truyền cũng không nên hô hào, phổ biến suông mà cần giải thích cặn kẽ, cụ thể cho các em hiểu rõ hơn là hành vi nào là phạm pháp. Đặc biệt, trong tình hình tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang gia tăng như hiện nay cần phải chú trọng giảng giải, phải gần gũi và thậm chí nên xem lại cách tuyên truyền của chúng ta có phù hợp, có đúng phương pháp không.
NGUYỄN SƠN