Lưới điện nông thôn kém an toàn - những mối lo lớn
Tủ điện “mọc” trên cây, dây điện trần sau công tơ kéo sát mặt đất hay cột điện xiêu vẹo, gãy đổ bất cứ lúc nào là hình ảnh dễ thấy ở các vùng nông thôn ở tỉnh ta. Mùa mưa bão cận kề, nguy cơ rủi ro, tai nạn liên quan đến lưới điện nông thôn hiện rất cao.
Dọc các tuyến đường nông thôn, không hiếm những hình ảnh đường dây điện mắc chằng chịt, một trụ điện tải gần 30 đồng hồ điện; dây điện mắc chồng chéo như “mạng nhện”; nhiều đường dây do các cột điện nghiêng ngả, gãy đổ, nằm sát bụi cây hoặc mái nhà dân, có cả đường dây điện mắc sát mặt nước,... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện rất cao.
Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột được làm từ tre, gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào. Việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện bằng nhiều loại dây không đúng quy chuẩn kỹ thuật, treo mắc công tơ lộn xộn, sử dụng cây cối, cọc tre để dẫn điện ra ruộng, về cơ sở sản xuất là những nguyên nhân làm lưới điện nông thôn trở nên “đáng sợ”.
Ông Trần Minh Xuân, một người dân sống tại thôn Bình An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, phản ánh: “Trên tỉnh lộ 638 đoạn từ thôn Bình An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước đến thị trấn Vân Canh có hàng chục trụ điện làm bằng xi măng hoặc gỗ đã cũ, mục sắp gãy đổ nhưng luôn phải “oằn” mình chịu trận nhiều năm nay qua các đợt mưa, bão. Người dân nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương đề xuất với cơ quan chức năng nhanh chóng thay thế hệ thống lưới điện mới nhưng vẫn chưa được giải quyết”. Bất đắc dĩ, người dân đã phải mua gỗ và các loại tre, nứa để chằng chống dây điện nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Còn anh Nguyễn Xuân Quý, nhà gần cầu Núi Thơm, xã Phước Thành, cho biết: “Ở đây nhiều hộ phải tự mua dây kéo điện về nhà. Có hộ phải dùng tới hơn 500 m dây, với các trụ bằng gỗ, bằng tre. Có thể thấy ngay là rất kém an toàn. Từ đầu mùa mưa đến nay, cột điện ở gần nhà tôi bị gió giật gãy khiến cả bó dây rơi xuống đất chắn ngang trước cửa, chúng tôi phải gia cố tạm”. Qua quan sát của chúng tôi, có nhiều chỗ dây điện mắc ngang qua đường thường xuyên bị đứt, do ô tô kích thước quá chiều cao quy định va vào. Có những đoạn dây điện chỉ dài hơn 20 m nhưng có hàng chục mối nối.
Ông Huỳnh Ngọc Việt - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Từ khi tiếp nhận lưới điện nông thôn của các địa phương, Điện lực Bình Định đã đầu tư mới đáng kể về trang thiết bị. Tuy nhiên, hiện nay do đặc thù riêng, trong quá trình vận hành, ngành điện buộc phải sử dụng chung hạ tầng với hệ thống của các ngành khác nên những hiện tượng kể trên rất khó tránh. Ngành điện sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, nhân công, nhưng nguồn vốn để nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn là điều không dễ thực hiện, kinh phí khá lớn. Mặt khác cần thấy rằng, phần dây điện sau công tơ là tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song ở mình, người dân chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Dù đã được ngành điện nhắc nhở, cảnh báo... nhưng nhiều hộ vẫn không thay đổi.
MINH NGUYỄN