Nỗi lo người tâm thần gây án
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, mà đối tượng gây án là người mắc bệnh tâm thần, khiến không ít người phải lo lắng. Bởi lẽ, người tâm thần không nhận thức được hành vi của chính mình, không chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trước những hậu quả mà mình gây ra.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 3.4, giữa ông Nguyễn Văn Khang (42 tuổi, ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) và vợ là bà Hà Thị Kim Danh (37 tuổi) xảy ra mâu thuẫn, cự cãi với nhau. Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, bà Danh bất ngờ dùng dao đâm vào ngực ông Khang, khiến ông Khang bị thương nặng và tử vong sau đó. Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến bi kịch này là bởi bà Danh mắc bệnh tâm thần phân liệt (TTPL); trong lúc bị kích động, bà đã ra tay sát hại người chồng mà mình rất mực thương yêu.
Mới đây, từ ngày 19.4 đến ngày 23.4, tại huyện Hoài Ân đã xảy ra việc bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1978, ở xã Ân Hảo Tây) đóng cửa nhốt 4 đứa con ruột trong nhà. Dù gia đình, chính quyền và đoàn thể địa phương ra sức khuyên bảo, can ngăn nhưng bà Hoa vẫn “cố thủ” trong nhà và đòi giết 1 trong 4 đứa con. Mãi đến cuối giờ chiều ngày 23.4, lực lượng Công an huyện Hoài Ân mới đột nhập thành công vào nhà, khống chế bà Hoa và giải cứu 4 cháu nhỏ. Hành động này của bà Hoa cũng xuất phát từ chứng bệnh TTPL.
Đến nay, Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã triển khai cho 100% số xã, phường trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng. Tính đến cuối năm 2012, Bệnh viện quản lý, điều trị cho 5.153 bệnh nhân; trong đó có 2.980 bệnh nhân TTPL và 2.173 bệnh nhân động kinh.
Cách đây hơn 1 năm, tại thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) cũng đã xảy ra vụ án mạng thương tâm, mà hung thủ chính là con ruột của nạn nhân. Khoảng đầu tháng 3.2012, trong cơn điên loạn do bệnh tâm thần tái phát, Lê Minh Nay đã dùng rựa chém chết mẹ ruột là bà Lê Thị Đôi; sau đó, Nay châm lửa đốt xác mẹ mình…
Bác sĩ Võ Văn Thống, Phó Trưởng khoa Điều trị I - Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: Tâm thần là tên gọi chung của 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người. Trong đó, TTPL là đáng chú ý nhất, bởi đây là thể nặng nhất trong các bệnh lý về tâm thần. Người mắc chứng bệnh này thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động…, nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình và xã hội là rất lớn. Do vậy, khi gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần, người nhà cần phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra.
Có thể thấy, hậu quả mà người mắc bệnh tâm thần gây ra cho gia đình và xã hội là vô cùng nghiêm trọng. Trong khi đó, phần lớn những gia đình có người thân bị bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện đưa người bệnh đi điều trị. Do vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu hoặc tiền sử về bệnh tâm thần để kịp thời vận động gia đình đưa họ đi điều trị, nhằm tránh những sự việc đau lòng có thể xảy ra.
CÔNG LUẬN