Việt Nam tiếp tục tụt hạng về môi trường kinh doanh
Theo báo cáo “Môi trường kinh doanh 2015: Xa hơn hiệu quả” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay (29.10), Việt Nam lại tiếp tục tụt hạng về môi trường kinh doanh so với năm ngoái.
Việt Nam: 5 lĩnh vực bị tụt hạng
Việt Nam đứng thứ 78/189 quốc gia về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015, tụt 6 bậc so với thứ hạng 72/189 của năm 2014. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB công bố hồi tháng 10.2013, Việt Nam đứng thứ 99/189 quốc gia về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện WB tại Việt Nam, từ năm nay WB đã thay đổi cách tính theo phương pháp mới nên Việt Nam từ thứ hạng 99 của năm ngoái đã giảm về thứ hạng 72.
Trong báo cáo mới công bố, WB cho rằng Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia bằng cách thiết lập một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Hai lĩnh vực có cải cách được ghi nhận trong báo cáo là vay vốn (thông tin tín dụng) và nộp thuế.
Về xếp hạng các lĩnh vực cụ thể, có 5 lĩnh vực bị tụt hạng so với báo cáo năm ngoái. Cụ thể, chỉ số về khởi sự kinh doanh năm nay ở thứ hạng 125, giảm 5 bậc so với mức 120 của năm ngoái; chỉ số về tín dụng ở thứ hạng 36, giảm 6 bậc so với mức 30 của năm ngoái; chỉ số về nộp thuế ở thứ hạng 173, giảm 2 bậc so với mức 171 của năm ngoái; chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số ở thứ hạng 117, giảm 2 bậc so với mức 115 của năm ngoái; chỉ số về thương mại xuyên biên giới ở thứ hạng 75, giảm 1 bậc so với mức 74 của năm ngoái.
Đáng chú ý là theo báo cáo của WB, thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục nộp thuế vẫn là 872 giờ/năm, không thay đổi so với những năm trước. Trong khi đó trên thực tế thời gian qua với nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Cụ thể, từ ngày 1.9.2014, việc thực hiện Thông tư 119 của Bộ Tài chính đã giúp giảm 201,5 giờ nộp thuế và tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91 giảm số lần nộp thuế giá trị gia tăng từ 12 lần xuống còn 4 lần và số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 4 lần xuống còn 1 lần. Qua đó, tiếp tục giảm thời gian nộp thuế 88,36 giờ và tiết kiệm khoảng 1.400 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đây quả là một kỷ lục về cắt giảm thủ tục của ngành thuế khi mà chỉ với 2 văn bản đã giúp giảm tới gần 300 giờ nộp thuế và tiết kiệm 4.400 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện WB, những thay đổi này vừa mới được tiến hành và chưa được ghi nhận vào báo cáo mới nhất của WB.
Singapore đứng đầu về môi trường kinh doanh
Trong báo cáo này, Singapore đứng đầu về môi trường kinh doanh. Như vậy, đây là lần thứ chín liên tiếp Singapore chiếm giữ vị trí này trong khảo sát hàng năm của WB. New Zealand xếp vị trí thứ nhì và Hồng Kông (Trung Quốc) về thứ ba. Mỹ giữ nguyên ở vị trí thứ 7 còn Anh tăng một bậc, tứ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 8.
Enritrea đứng cuối bảng xếp hạng, sau Libya, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
WB xếp hạng dựa trên các tiêu chí như thời gian cần thiết để mở hoặc đóng doanh nghiệp, xin giấy phép xây dựng và đóng thuế tại thành phố lớn nhất của quốc gia được khảo sát.
Năm nay, khảo sát được mở rộng thực hiện tại thành phố được xem là trung tâm kinh tế lớn thứ hai, có hơn 100 triệu dân của quốc gia được khảo sát. Có 11 nước ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Pakistan. Trung Quốc tăng ba bậc, đứng ở vị trí 90 trong khi Nhật Bản tụt hai bậc, đứng ở vị trí 29.
Như vậy, nhìn chung năm nay, môi trường kinh doanh tại các nước phát triển lẫn đang phát triển trên toàn cầu đều chuyển biến theo hướng dễ dàng hơn khi các nước áp dụng chính sách và cải cách điều hành tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Các nước châu Phi vùng hạ Sahara nằm trong nhóm tiến bộ nhất dù nhiều nền kinh tế ở khu vực này tiếp tục nằm ở vị trí cuối của bảng xếp hạng.
Theo WB, 39 quốc gia châu Phi đã giảm bớt mức độ rườm rà và chi phí cấp thủ tục kinh doanh trong khi 36 nước khác củng cố các định chế pháp lý.
Tajikistan, quốc gia tại Trung Á, dẫn đầu trong số các nước có mức độ tiến bộ nhiều nhất. 3 nước tiếp sau đó lần lượt là Benin, Togo và Bờ Biển Ngà.
10 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất theo đánh giá của WB:
1. Singapore
2. New Zealand
3. Hồng Kông (Trung Quốc)
4. Đan Mạch
5. Hàn Quốc
6. Na Uy
7. Mỹ
8. Anh
9. Phần Lan
10. Úc
Theo Hàm Yên (SGGP), Tố Uyên (BBC, WB)
Sao không đến 10 nước có nền kinh tế và môi trường kinh doanh tốt nhất để học rồi về làm ở VN? Cứ ngồi đó mà chê bai thiên hạ để rồi cứ mãi chạy theo sau hít ... người ta.