Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT:
Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn bất cập
Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Dư luận cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự “nương tay” trong việc cấp phép, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và công tác quản lý, kiểm tra. Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định về vấn đề này.
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình KTKS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Hiện nay, có 75 DN hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh với 112 giấy phép KTKS các loại còn hiệu lực; trong đó, khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường các loại chiếm phần lớn. Đa số, các DN KTKS đúng theo quy trình, quy định và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước; giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa thực hiện đúng quy trình khai thác, chưa hoàn thổ kịp thời, gây tác động xấu tới môi trường, khiến nhân dân bức xúc, đặc biệt là khu vực các xã phía Đông huyện Phù Mỹ. Đơn cử như Công ty CP Kim Triều, Công ty CP Thời Thuận…
Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite khai thác đá tại núi Hòn Chà, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước.
* Một số DN khai thác các mỏ titan, cát, đá xong nhưng không hoàn thổ, khai thác sai quy định khiến môi trường bị hủy hoại bị xử lý ra sao, thưa ông?
- UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về KTKS. Cụ thể, các DN khai thác sa khoáng titan, khai thác cát, đất đá ở Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh... không tuân thủ các điều kiện đã được quy định trong giấy phép đều được “điểm danh”, nhắc nhở hoặc xử phạt. Sở TN-MT đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, yêu cầu DN phải tiến hành ngay công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường, trồng lại rừng ngay sau khi khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa phục hồi môi trường kịp thời. Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, chúng tôi đã tổ chức họp với các chủ DN, yêu cầu sau khi KTKS phải hoàn thổ và trồng rừng vào mùa mưa và được các DN cam kết thực hiện. Năm 2013, tổng diện tích các DN thực hiện việc hoàn thổ đạt 368,7 ha; diện tích trồng rừng 252,4 ha, chỉ đạt tỉ lệ 68,5% so với diện tích phải hoàn thổ.
* Hiện nay có tình trạng DN khai thác đất đá chui tại các địa phương, gây ô nhiễm môi trường và thất thoát thuế tài nguyên... Sở TN-MT đã chấn chỉnh ra sao?
- Việc triển khai cùng lúc nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các QL như hiện nay rất cần nguồn nguyên liệu để thi công, đặc biệt là đá xây dựng và đất san lấp. Đối với nguyên liệu đá khai thác từ mỏ, đều được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Riêng việc khai thác đất, một số nhà thầu không làm hồ sơ xin cấp mỏ đất, chỉ thỏa thuận với dân để khai thác tại những khu vực đã giao cho dân, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Sở đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra các DN hoạt động có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh (Cảnh sát Môi trường) phối hợp với Sở TN-MT (Thanh tra Sở) thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng này.
* Dư luận cho rằng việc KTKS còn nhiều tồn tại là do Sở TN-MT lơ là trong công tác quản lý. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Việc cấp phép KTKS đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với quy hoạch và được ngành chức năng phê duyệt; có ý kiến thống nhất khu vực thăm dò, khai thác của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Sở TN-MT cũng đã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng và chính quyền sở tại thực hiện công tác kiểm tra. Qua đó, phát hiện và xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật về quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, sự phối hợp quản lý giữa ngành và các địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên; sau kiểm tra, thanh tra vẫn còn nhiều DN chưa phục hồi hoặc phục hồi môi trường chậm, gây bức xúc cho nhân dân.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản về quản lý hoạt động khoáng sản lỗi thời. Đồng thời, phối hợp với các ngành làm tốt công tác quy hoạch khoáng sản và quản lý cấp phép theo quy hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị có năng lực khai khoáng, công nghệ tiên tiến và chế biến sâu; tổ chức đấu giá quyền khai thác và thu tiền cấp quyền KTKS theo hướng dẫn của Trung ương. Sở sẽ chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, Công an tỉnh và chính quyền địa phương liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất; kiên quyết xử lý và đề nghị thu hồi giấy phép đối với các DN vi phạm, tái phạm trong KTKS.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)