Phòng, chống rối loạn do thiếu I-ốt:
Thành công chưa trọn vẹn
Nhiều năm qua, hoạt động phòng, chống rối loạn do thiếu I-ốt ở tỉnh ta đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận. Song, nỗi lo về căn bệnh do thiếu I-ốt vẫn chưa dứt khi tỉ lệ sử dụng muối I-ốt chưa bao phủ hết trong dân.
Chưa hết lo
Sáng 29.10, bà Võ Thị Lại (61 tuổi, ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) đến Trung tâm Phòng chống sốt rét và Các bệnh nội tiết tỉnh từ sớm. Kết quả thăm khám cho thấy nhịp tim của bà đã ổn định; dù vậy, bà vẫn phải nhận thuốc để uống trong 2 tháng tới. Bà Lại bị bướu cổ đã gần 7 năm nay. “Hồi mới phát bệnh, tim đập nhanh lắm, lúc nào cũng thấy mệt. Từ 50kg, tui sút còn 32kg. Giờ thì đỡ nhiều rồi”, bà Lại chia sẻ.
Được khám ngay trước bà Lại là Trần Thanh Phước (18 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Phước phát hiện bị cường giáp từ tháng 5.2013, tuyến giáp sưng rõ. Phước cho hay, ngoài thuốc tây còn uống thuốc nam. Vừa xem kỹ khu vực cổ của Phước, bác sĩ Nguyễn Văn Tứ cảnh báo: “Phải chung sống lâu dài với bệnh, nên cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ thuốc men, không được tự ý dùng thuốc”.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống sốt rét và Các bệnh nội tiết tỉnh, năm 2013, trong số hơn 22.000 lượt bệnh nhân đến khám tại Trung tâm có đến hơn 10.000 lượt khám về bướu cổ. Kết quả giám sát năm 2014 cho thấy, vẫn còn 3 xã không đạt chỉ tiêu I-ốt niệu, là Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), Cát Lâm, Cát Hưng (Phù Cát). “Người dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn đều được cấp muối I-ốt miễn phí. Vĩnh Quang chỉ có 2 hộ người dân tộc, số còn lại đều phải tự mua muối I-ốt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chỉ tiêu I-ốt niệu không đạt”, ông Đinh Văn Ply, chuyên trách phòng, chống bướu cổ của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Đáng chú ý, theo kết quả giám sát 660 hộ tại 44 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được thực hiện từ đầu năm 2014 đến nay, có 98% hộ sử dụng muối I-ốt thường xuyên. Thế nhưng, độ bao phủ muối I-ốt chưa ổn định, bằng chứng là độ bao phủ muối ở tỉnh ta trong các năm 2008, 2009 và 2012 lần lượt chỉ là 92,5%, 90,67% và 94,34%.
Trong tháng 4 và 5.2014, Trung tâm Phòng chống sốt rét và Các bệnh nội tiết tỉnh đã tổ chức khám cho 5.000 học sinh tiểu học; 2% trong số đó phát hiện bị bướu cổ. Kết quả xét nghiệm 600 mẫu nước tiểu cho thấy mức trung vị I-ốt niệu đạt yêu cầu; tuy nhiên tình trạng thiếu I-ốt nhỏ lẻ vẫn xảy ra.
Chú trọng tuyên truyền
Hiện nay, toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất muối I-ốt: Xí nghiệp Muối miền Trung chi nhánh tại Bình Định, Công ty CP Muối và thực phẩm Bình Định, Công ty TNHH Sức khỏe vàng. Năm 2013, sản lượng tiêu thụ muối I-ốt toàn tỉnh đạt 6.026 tấn, trong đó có 219,8 tấn cấp miễn phí. Kết quả kiểm tra 1.440 mẫu muối I-ốt được thực hiện từ đầu năm đến nay đều đạt yêu cầu về định tính I-ốt.
Từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2005/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho người ăn, trong đó quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương về sản xuất và cung ứng muối I-ốt; công tác vận động nhân dân mua và sử dụng muối I-ốt để phòng các rối loạn thiếu I-ốt. Tuy nhiên, cũng từ năm này, chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống rối loạn do thiếu I-ốt kết thúc, kinh phí của Trung ương không còn.
Trước thực tế đó, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã cấp cho ngành Y tế 200-300 triệu đồng/năm để duy trì các hoạt động tuyên truyền, mở rộng mạng lưới cung cấp muối, kiểm tra giám sát chất lượng muối tại nhà máy và hộ gia đình; khám bướu cổ cho học sinh 8-10 tuổi… Đồng thời thực hiện chính sách cấp muối không thu tiền cho đồng bào dân tộc, trợ giá, trợ cước cho đồng bào ở những vùng khó khăn.
Theo bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét và Các bệnh nội tiết tỉnh, để tiến tới loại trừ các rối loạn do thiếu I-ốt, quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền. “Phải làm cho mỗi người dân hiểu tác dụng của I-ốt đối với sức khỏe để có ý thức sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các TTYT tổ chức giám sát việc sử dụng muối tại các cụm dân cư, từng hộ gia đình”, bác sĩ Thuận cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG