Một trường hợp sốt mò có biến chứng nguy hiểm
Ngày 25.10, một bệnh nhân đã tử vong do biến chứng của bệnh sốt mò, sau 5 ngày được điều trị tích cực tại BVĐK tỉnh. Điều đáng cảnh báo, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên khi đã sốt kéo dài và có biến chứng.
Bệnh nhân Mang Tâm H. là người dân tộc Bana sống ở huyện Vân Canh, đi trồng keo ở rừng cách nhà hơn 30 km. Có biểu hiện sốt cao liên tục và đau đầu dữ dội trên 20 ngày, nhưng anh H. không đi khám. Mãi đến khi xuất hiện co giật và hôn mê, anh H. mới được những người làm cùng đưa về nhà. Ông Mang Đ. thấy con sốt thì mua thuốc hạ sốt Paracetamol cho uống và cúng theo phong tục địa phương; sau 4 ngày không thấy đỡ mới thuê xe taxi chở xuống Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Kết quả khám các bác sĩ chẩn đoán anh H. bị viêm não và tiếp tục chuyển đến BVĐK tỉnh.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê độ 2, suy hô hấp nhẹ, SpO2 < 90% và phải hỗ trợ oxy, thỉnh thoảng co giật nhẹ tứ chi. Qua thăm khám phát hiện có vết loét đã đóng vảy khô đường kính 6mm ở vùng hông trái đặc trưng do mò đốt, có nhiều hạch khu vực và hạch toàn thân, ban rải rác trên da, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt mò có biến chứng viêm não và điều trị đặc hiệu Doxycyclin.
Để tránh những biến chứng nặng nề do sốt mò gây ra, khi xuất hiện dấu hiệu sốt cao li bì, nên đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân cũng được làm các xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với bệnh khác, nhất là sốt rét ác tính thể não; đồng thời chụp cắt lớp não để phân biệt với u não hay xuất huyết não. Các xét nghiệm cho thấy, tiểu cầu của bệnh nhân giảm rất nặng (17.000/mm3), có tình trạng hoại tử tế bào gan nặng (AST >1.000 U/L). Mặc dù được điều trị tích cực nhưng diễn biến bệnh của anh H. ngày càng nặng và tử vong. Đây là một trường hợp bệnh sốt mò có biến chứng rất nặng vì không được phát hiện và điều trị sớm.
Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Orientia tsutsugamushi - một vi khuẩn gram âm - được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6-11 tuổi, nhưng vẫn xuất hiện ở người lớn; những người sống vùng nông thôn, vùng bán sơn địa hay ở các vùng ven rừng...
Nghiên cứu của chúng tôi từ năm 2012 đến 2014 có 55 bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò và điều trị khỏi với Doxycyclin tại BVĐK tỉnh. Hầu hết các bệnh nhân này được chuyển từ tuyến dưới lên vì sốt kéo dài và đã điều trị nhiều loại kháng sinh nhưng không đỡ. Có 20% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, 96,2% có tăng men gan, 92,7% có vết loét trên da.
BSCKII. NGUYỄN THỊ THU OANH (BVĐK tỉnh)