Công trình đầu mối đập dâng Văn Phong:
Chủ động các biện pháp vượt lũ an toàn
Đến thời điểm này, công trình đầu mối đập dâng Văn Phong (CTĐMĐDVP) trên địa bàn xã Bình Tường (Tây Sơn) đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, bắt đầu vận hành thử nghiệm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Nhân, Trưởng Ban quản lý (BQL) Dự án Thủy lợi 62 (thuộc BQL Dự án Thủy lợi 6 - Bộ NN-PTNT), đơn vị đại diện chủ đầu tư công trình, về vấn đề đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ năm nay.
* Xin ông cho biết tiến độ thực hiện CTĐMĐDVP đến thời điểm hiện nay?
- CTĐMĐDVP thuộc Dự án Hợp phần khu tưới Văn Phong, có tổng mức đầu tư được Bộ NN-PTNT phê duyệt là 598,18 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ tháng 6.2009, theo kế hoạch sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2014. Đến nay, liên danh các nhà thầu thi công CTĐMĐDVP đã cơ bản hoàn thành công trình, đáp ứng được yêu cầu dâng nước đến cao trình thiết kế để phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp qua hệ thống kênh tưới Văn Phong trong vụ Đông Xuân 2014-2015 sắp đến.
Ngày 2.10 vừa qua, BQL Dự án Thủy lợi 6 đã tổ chức nghiệm thu đưa vào vận hành thử toàn bộ công trình, bao gồm các hạng mục: đập không tràn bờ trái; đập tràn piano bờ trái, bờ phải; đập tràn xả đáy; 10 cửa van cung cùng thiết bị điều khiển tràn xả đáy, cống lấy nước bờ trái… Qua kiểm tra trong suốt thời gian dâng nước đến cao trình thiết kế 25.00 để vận hành thử tải công trình, đập dâng làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu vận hành theo nhiệm vụ thiết kế.
* Được biết, CTĐMĐDVP thuộc danh mục các công trình thi công vượt lũ quan trọng trên địa bàn toàn quốc, được Bộ NN-PTNT yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ trước mùa mưa lũ năm nay. Vậy, BQL đã có biện pháp gì để bảo vệ công trình?
- Trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các nhà thầu tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục để đưa công trình vượt lũ chính vụ năm 2014 an toàn. Hiện nay, cùng với việc tổ chức thi công hoàn thiện công trình để có thể nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 4.2015, BQL Dự án đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống lụt bão (PCLB) cho công trình; củng cố Ban chỉ huy PCLB và đã phê duyệt phương án PCLB năm 2014...
Các phương án PCLB cho công trình theo phương châm “4 tại chỗ” đã được BQL Dự án và các đơn vị thi công xây dựng cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Theo đó, trong suốt mùa mưa lũ, 10 cửa van cung của đập dâng được treo mở hoàn toàn để thoát lũ; đơn vị thi công tập trung phá dỡ toàn bộ hệ thống đê quai để thoát nước; đồng thời hạ thấp cao trình đường thi công nối với cầu tạm phía hạ lưu để dòng chảy không bị cản trở. Trong suốt mùa mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB của công trình theo dõi 24/24 giờ diễn biến mưa lũ để triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra. Tại công trình đầu mối, các đơn vị thi công bố trí nhân lực, thiết bị xe máy thường trực gồm 20 cán bộ kỹ thuật, công nhân, 2 máy đào, 2 máy ủi, 6 ô tô tải, bố trí bãi vật liệu tại chân công trình để kịp thời ứng phó với các sự cố…
CTĐMĐDVP là công trình thủy lợi cấp 2, có chiều cao đập lớn nhất 27,7 m, chiều dài 565m, được khởi công từ tháng 6.2009. Khi hoàn thành, cùng với hệ thống kênh tưới Văn Phong đang được triển khai thi công sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 10.000 ha lúa và hoa màu của các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn và TP Quy Nhơn. Ngoài ra, công trình còn có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt phục vụ sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cắt lũ đầu nguồn cho vùng hạ du của tỉnh.
* Theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, trước mùa mưa lũ hàng năm, các công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng đều phải xây dựng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn. Đối với CTĐMĐDVP, vấn đề nói trên được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Vừa qua, BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 6 đã có Quyết định phê duyệt quy trình vận hành tạm thời CTĐMĐDVP thuộc Hợp phần khu tưới Văn Phong nhằm làm căn cứ quản lý, vận hành công trình trong thời gian chờ cấp thẩm quyền phê duyệt chính thức và bàn giao công trình. Theo đó, trong mùa mưa lũ, từ trung tuần tháng 9 đến cuối tháng 12, đơn vị quản lý phải treo mở hoàn toàn 10 cửa van cung tràn có cửa để thoát lũ. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, lưu lượng xả của hồ Định Bình và nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, mực nước thượng lưu đập dâng, để xác định lưu lượng nước đến và điều tiết theo các quy định đảm bảo an toàn cho công trình, giảm thiểu thiệt hại cho phía hạ du.
BQL Dự án Thủy lợi 62 đang phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tổ chức vận hành tạm thời công trình đến khi bàn giao chính thức cho đơn vị quản lý; đồng thời lấy ý kiến của các ngành chức năng và chính quyền địa phương để xây dựng hoàn chỉnh quy trình vận hành CTĐMĐDVP trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)
Nhân tiện góp ý về đợt tăng giá điện sắp đến của EVN. Giá điện cho miền Trung (và 1 vài tỉnh m.Bắc), nơi thừa thủy điện và đã thường xuyên hỗ trợ tải điện vào nam mỗi năm gần 30 tỉ kwh, nhưng KT-XH miền Trung còn rất nhỏ bé khó khăn, do đó giá nên thấp hơn nơi khác khoảng 20% để thúc đẩy kinh tế. Đơn giản dễ thực hiện. Ở VN hao tổn tải điện xa là quá lớn, có nên tiếp tục không hay dần có lộ trình giảm dần thông qua cơ chế giá?