Siết chặt kỷ cương ngân sách
Chiều 29.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Đa số các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, việc sửa Luật NSNN cần phải có sự thay đổi, nếu không sẽ không thay đổi tình trạng lỏng lẻo trong kỷ cương, kỷ luật ngân sách hiện nay.
Thông qua ngân sách bằng 2 kỳ họp
Thảo luận về dự án Luật NSNN, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói: “Tôi thực sự kỳ vọng đổi mới căn bản quy trình thiết lập ngân sách, công bố ngân sách, kiểm soát và tuân thủ ngân sách để đảm bảo kỷ cương trong sử dụng ngân sách bởi không ở đâu xài tiền tùy tiện như nước ta”. Theo ĐB Trần Du Lịch, chúng ta không làm luật hàng năm nhưng tối thiểu thông qua ngân sách bằng 2 kỳ họp. Kỳ giữa năm là ngồi bàn, mổ xẻ từng địa phương, từng ngành năm tới “cần hỗ trợ gì một cách minh bạch” và Quốc hội quyết. Kỳ họp cuối năm thì xem xét và bàn rồi quyết định xem có đúng hay không. “Còn như bây giờ, mọi thứ an bài hết rồi, không biết cắt của ai, không biết thêm của ai. Đây là nguồn gốc đẩy chạy chi tiêu ngân sách. Nếu không làm được cái này thì không thay đổi gì hết” - ĐB Trần Du Lịch bình luận.
Tán đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, tại kỳ họp giữa năm Quốc hội nên cho ý kiến về các chỉ tiêu cân đối lớn, sau đó, đến kỳ họp cuối năm mới xem xét điều chỉnh. Điều này sẽ thể hiện được thực quyền của Quốc hội và sửa luật theo hướng này thì điều hành của Chính phủ cũng thuận lợi hơn. Bởi hiện trạng lâu nay là làm rồi sau đó Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét thì “chỉ là cách hợp thức hóa việc đã rồi”. Trong khi đó, theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), các nước đều có luật ngân sách hàng năm, nên giá trị pháp lý, việc tuân thủ được thực hiện nghiêm trong khi “mình năm nào cũng thông qua nghị quyết về ngân sách nhưng không năm nào thực hiện đúng nghị quyết”. Do vậy, trong lần sửa đổi Luật NSNN cần thiết và nên mạnh dạn có sự thay đổi để tăng kỷ cương, kỷ luật ngân sách bởi nếu cứ làm như hiện nay thì không biết bao giờ mới thay đổi.
Tiết kiệm chi, nuôi dưỡng nguồn thu
Thảo luận tại tổ TPHCM, ĐBQH - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải bày tỏ quan điểm, tiền ngân sách là tiền góp của dân, sử dụng phải tiết kiệm, hiệu quả, nhưng thực tế chưa được như vậy. Thậm chí có nhiều mặt lo ngại, sử dụng đồng vốn ngân sách hiệu quả không cao. Tiết kiệm chưa trở thành quốc sách nên sửa luật lần này làm sao phải toát được quá trình thực hiện, vận hành trên tinh thần là phải tiết kiệm một cách triệt để. Để làm được điều đó thì không chỉ là vấn đề kêu gọi mà còn là cơ chế chính sách thông qua luật ngân sách.
Cũng theo ĐB Lê Thanh Hải, chúng ta nói phải có thu mới có chi. Muốn chi thì phải thu tốt, bồi dưỡng nguồn thu thì mới có nguồn chi. Tuy nhiên, dự thảo Luật NSNN chưa toát lên được làm sao tạo điều kiện để bồi dưỡng nguồn thu. “Tôi kiến nghị, một là quá trình vận hành luật ngân sách mới phải có cơ chế ràng buộc tiết kiệm cao nhất; sử dụng đồng vốn có hiệu quả cao. Tiếp đến là phải bồi dưỡng nguồn thu để chi” - ĐB Lê Thanh Hải nói.
Theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), dự luật NSNN sửa đổi lần này chưa bao quát giải quyết tối đa bất cập của luật hiện hành, cách quản lý thu - chi vẫn theo tư duy cũ. Tại các địa phương, nhu cầu chi để giải quyết các vấn đề xã hội nhiều nhưng dự luật lại chưa tạo được động lực khuyến khích thu ngân sách. Do vậy, điều quan trọng là dự luật phải động viên từng cấp ngân sách một để làm sao khai thác tăng nguồn thu, cân đối ngay tại cơ sở, từ cấp nhỏ nhất.
Liên quan đến tỷ lệ phân chia ngân sách hiện nay, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần phải có sự thay đổi, điểm nào vướng trong luật thì phải sửa. Chẳng hạn như với TPHCM, cần tính toán lại tỷ lệ phân chia ít nhất trong niên hạn 5 - 10 năm để thành phố đầu tư cho phát triển, bởi hiện nay cơ sở hạ tầng đã bị nghẽn như giao thông, ô nhiễm môi trường...
Trách nhiệm bồi thường khi chậm, hủy chuyến bay
Sáng 29.10, thảo luận tại hội trường về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề giá dịch vụ hàng không và tình trạng chậm, hủy chuyến. ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá cao luật lần này bổ sung quyền lợi của khách hàng khi bị chậm chuyến, hủy chuyến để khắc phục thực tế rất bức xúc hiện nay.
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 có tới 40% số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến. “Tuy luật lần này đã có quy định về quyền lợi của khách hàng khi bị chậm, hủy chuyến bay, nhưng vẫn còn chung chung, chưa thể giải quyết được quyền lợi của khách. Cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp, quyền được khiếu kiện của khách hàng cũng như mức miễn, giảm đối với hành lý ký gửi của khách trong trường hợp bị chậm, hủy chuyến” - ĐB Nguyễn Thanh Thụy nói.
"Quá trình lập dự toán thì địa phương, bộ, ngành đều phải thể hiện trách nhiệm, cuối cùng ra đến Quốc hội phải có tiếng nói của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng như các ủy ban khác. Như vậy mới bảo đảm xây dựng dự toán tốt. Rồi đến khi tổ chức thực hiện, ai cũng phải có trách nhiệm với dự toán của mình. Khi Quốc hội duyệt dự toán, quyết toán ngân sách thì cũng sẽ hỏi đến trách nhiệm của từng nơi, kể cả nơi giám sát, kiểm toán.. chứ không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Như vậy ngân sách của chúng ta sẽ công khai, minh bạch đến toàn dân"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Theo SGGP