Ăn cơm trước kẻng
“Bây giờ mà nhận được thiệp mời đám cưới con cái nhà ai hơi gấp gáp, đường đột là tôi lại không tránh được ý nghĩ “cưới chạy” ông à!”, chú Tư bắt chuyện với ba tôi bên tách trà sớm. “Từ đầu năm đến nay, tôi dự đã 4 đám cưới kiểu vậy rồi. Đứa nào cũng vác bụng bầu mặc váy cưới. Vài tháng sau là đã thấy bồng bế em bé trên tay”, chú Tư tiếp chuyện.
Ba tôi cũng thở dài: “Ngày trước, chuyện chưa chồng mà chửa chỉ có những cô quá lứa nhỡ thì, đành kiếm đứa con để nương tựa tuổi già. Người rơi vào cảnh ấy phải chịu bao điều tiếng của làng xóm. Vài năm gần đây, bọn trẻ vừa mười tám, hai mươi “ăn cơm trước kẻng” ngày một nhiều. Đến nỗi, người nào có con gái đang tuổi cập kê chẳng dám mạnh miệng chê bai, bởi sợ mình cũng rơi vào cảnh ấy”. Đang tưới cây gần đó, thím Tư cũng nói vọng vào: “Tụi nhỏ lý sự vầy nè anh: bữa nay chuyện vô sinh nhiều quá, phải thử trước rồi mới cưới cho chắc ăn”.
Đem câu chuyện nhặt được thuật lại cho cô bạn là chuyên gia tâm lý, bạn bảo: “Không riêng gì quê mầy đâu. Nhiều vùng quê khác cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Nhiều cặp cô dâu chú rể đã là bố là mẹ trong ngày cưới. Thậm chí, có trường hợp, đám cưới diễn ra tháng trước, tháng sau đứa bé đã chào đời”.
Nghe tôi thắc mắc không lẽ chỉ số đoan trang, biết giữ mình của các cô thôn nữ bây giờ thấp đến vậy, bạn lắc đầu. Bây giờ, các ông bố, bà mẹ bận rộn lắm. Ở các vùng quê, để thay đổi cuộc sống, họ tìm về các thành phố lớn mưu sinh. Con cái gửi lại cho ông bà, hoặc thậm chí là để chúng tự lập. Thiếu sự quan tâm, định hướng kịp thời của bố mẹ, các em đều phải tự thân mày mò, tìm hiểu. Trong khi đó, tệ nạn xã hội, mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội đã len về đến tận vùng sâu vùng xa. Làng quê bây giờ không thiếu điểm ăn chơi, đề đóm, mại dâm. Rồi sự phát triển của internet với đủ các trang web đen, các sản phẩm văn hóa độc hại… Tất cả đã làm thay đổi cách nghĩ, cách sống của một bộ phận giới trẻ nông thôn.
Bất chợt lại nghĩ đến cặp vợ chồng trẻ ở cách nhà tôi vài chục mét, ru con bằng những bài tình ca thị trường sướt mướt và thường xuyên cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Không biết họ sẽ giáo dục con mình về tình yêu và giới tính như thế nào, khi chúng lớn lên và “trả treo” với bố mẹ về chuyện “ăn cơm trước kẻng”?
HÀ THANH