Những dự án treo, để khổ cho dân
Ba dự án treo trên địa bàn huyện Phù Cát gồm: Khu Du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, khu du lịch Trung Lương và Khu Công nghiệp Hòa Hội đã được khởi công từ năm 2007 và 2009; thế nhưng từ đó đến nay đã kéo dài 7 năm qua, mà các dự án này cứ nằm bất động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân thuộc vùng quy hoạch cho dự án.
1.
Khu Du lịch Trung Lương nằm trên địa bàn xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, được quy hoạch trên diện tích 56 ha, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này cho Công ty TNHH Mỹ Tài từ năm 2007. Dự án có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 390 tỉ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2007- 2008, thực hiện san ủi mặt bằng, xây tường rào cổng ngõ và hệ thống giao thông nội bộ, kết hợp trồng cây xanh; giai đoạn 2 từ năm 2009 - 2010 hoàn thành các hạng mục còn lại.
Dự án Khu Du lịch KS nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, xã Cát Hải khởi công từ năm 2007, sau đó treo đến giờ.
Tuy nhiên, cho đến nay đã 7 năm trôi qua, Công ty TNHH Mỹ Tài mới chỉ xây dựng vài trăm mét tường rào, còn lại một bãi đất để hoang, cỏ dại mọc um tùm. Theo người dân ở đây cho biết, từ ngày Công ty TNHH Mỹ Tài đến đây, chỉ tập trung phương tiện và lao động chặt bỏ rừng dương và tận thu khai thác titan; khai thác xong thì bỏ mặc cho trời đất, gây nên hiện tượng cát bay, bồi lấp ảnh hưởng khu dân cư lân cận. Hiện nay, dự án trong tình trạng “trùm mền”.
Bà Nguyễn Thị Thương, ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, bức xúc nói: “Dự án này tầm cỡ nào tôi không biết; tôi chỉ thấy họ ủi phá rừng dương, lấy titan, giờ đây để lại đất trắng đồi trọc. Mùa mưa gió nước biển xâm thực, mùa nắng thì cát bay, dân phải ăn ngủ chung với cát với đất. Bà con mong muốn Nhà nước giải quyết cho nhanh việc này; hoặc xúc tiến dự án, hoặc hủy dự án để dân yên tâm”.
2.
Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội, nằm trên địa bàn xã Cát Hải, huyện Phù Cát, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép đầu tư vào tháng 12.2006, có thời gian hoạt động 50 năm và được Công ty ITC - Spectrum (Hoa Kỳ) khởi công ngày 3.12.2007 và cuối năm 2012, Chính phủ gia hạn cho dự án này thêm 5 năm nữa, tức là dự án này hoạt động 55 năm. Theo đó, các công đoạn thực hiện cũng kéo dài thêm thời gian.
Đây là dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài. Khu du lịch được xây dựng trên diện tích 320 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD, nằm trong quy hoạch tuyến du lịch trọng điểm Quốc gia Phương Mai - Núi Bà. Dự án bao gồm sân goft 18 lỗ, khu khách sạn nghỉ dưỡng, khu trung tâm hội nghị - quảng trường và các khu thể dục thể thao, giải trí biển, khu bảo tồn sinh thái. Dự án được thực hiện làm 3 giai đoạn; giai đoạn 1 (2007-2008): triển khai xây dựng chỉnh tuyến ĐT639 đoạn qua khu vực dự án, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, cây xanh; Giai đoạn 2 (2009-2011): xây dựng sân golf, khu khách sạn trung tâm 5 sao, villa golf cao cấp; Giai đoạn 3 (2012-2014), xây dựng resort 5 sao, villa hướng núi, câu lạc bộ thể thao leo núi, bến du thuyền, trung tâm huấn luyện cưỡi ngựa.... Thế nhưng, cho đến nay thời gian trôi qua gần 7 năm, mà công trình vẫn trong trình trạng “đắp chiếu nằm chờ”, chưa hoàn thành công đoạn nào cả.
Ông Võ Hữu Đức, một người dân ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, là một trong những người đi đầu hưởng ứng dự án, bày tỏ: “Dự án treo kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Thứ nhất, dân không yên tâm phát triển kinh tế; thứ 2 dân khó khăn về xây dựng, sửa chữa nhà ở, có gia đình 3, 4 thế hệ phải ở chung một nhà!”.
3.
Khu Công nghiệp Hòa Hội nằm trên địa bàn xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, khởi công xây dựng từ tháng 8 năm 2009; do Công ty Cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư. Được biết, Khu Công nghiệp Hòa Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; với tổng diện tích đất quy hoạch là 265 ha.
Khu công nghiệp Hòa Hội có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 440 tỉ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 93 tỉ đồng và vốn tự huy động của chủ đầu tư trên 348 tỉ đồng. Theo phương án được duyệt, thì đến tháng 9.2011, Khu Công nghiệp Hòa Hội sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I và đến tháng 12.2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại. Nhưng do Công ty Cổ phần Hòa Hội không đủ năng lực tài chính để thi công, nên đến tháng 4.2011, UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ đối với Công ty này; giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chọn nhà đầu tư khác; nhưng mãi từ đó cho tới nay chưa có nhà đầu tư nào để mắt đến (!)
Ba dự án ách tắc trên gây nhiều lãng phí cho Nhà nước trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên đất (tổng diện tích của 3 dự án này là 641 ha ruộng, đất); người dân (gồm 554 hộ, 2.375 nhân khẩu trong vùng quy hoạch dự án) phải chịu nhiều hệ lụy trong thời gian khá dài hơn 7 năm, như: Không thể xây cất, sửa chữa nhà ở, tác hại môi trường đã ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt người dân và nhất là người dân thiếu đất sản xuất, nhưng đất lại bỏ hoang.
THẾ HÀ
do cơ chế, quản lý yếu kém của lãnh đạo,lãnh đạo không có tâm cũng không có tầm.....Một ví dụ điển hình về Khu du lịch và nghĩ dưỡng Vĩnh Hội chính ông chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với dân mà cũng nói suông,nói thì hùng hồn nhưng thực chất lời nói không có giá trị gì...sau bao nhiêu tháng bao nhiêu năm hứa, hứa và hứa.....mất lòng tin trong dân.....chán.....
Bình Định ơi, biết bao giờ mới sánh vai được các tỉnh thành tiên tiến của Việt Nam?
Ưu đãi cho DN quá thành ra dễ dãi, bỏ qua các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư: được phê duyệt DA rồi, cấp đất rồi nhưng không triển khai đúng kế hoạch, để kéo dài lê thê, chỉ chăm chăm khai thác rừng, khoáng sản xong rồi để lại hiện trạng bầy hầy, gây ảnh hưởng đến đời sống và bức xúc của người dân địa phương. Đề nghị cấp có thẩm quyền mạnh tay xử lý, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với nhhững DN "trời ơi" này.