Đồ gỗ Việt tìm cách đứng vững trên sân nhà
Thách thức lớn đối với doanh nghiệp đồ gỗ trong nước từ cuối năm 2015 là việc hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN sẽ có thuế suất 0%.
Trao đổi với báo chí trong buổi họp báo giới thiệu Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (VIFA 2014) sáng 30.10, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết đến cuối năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, hàng hóa các nước từ ASEAN nhập vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%, chi phí hàng nhập khẩu sẽ giảm. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp đồ gỗ nói riêng của Vệt Nam trên chính sân nhà mình.
Ông Hạnh phân tích, trong ngành đồ gỗ tại ASEAN, chỉ có hai nước có khả năng trở thành “đối thủ” của Việt Nam ngay trên sân nhà là Thái Lan và Maylaysia vì họ đã có sẵn các nhà máy chế biến gỗ tại nước ta. Trong khi đó, Thái Lan đã lên kế hoạch thâu tóm những siêu thị, đại lý phân phối sản phẩm nên họ có khả năng vừa sản xuất vừa bán được hàng của mình ngay tại thị trường Việt Nam.
Hội chợ VIFA 2014 với chủ đề "Đồ gỗ Việt - Giữ vững sân nhà - Không phụ thuộc hàng nhập" sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9-11 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Tân Bình (TBECC), địa chỉ 446 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM. Hội chợ năm nay được mở rộng quy mô với 115 doanh nghiệp tham gia, tăng 20% so với năm trước với 474 gian hàng, tăng 37%. Trong số các doanh nghiệp tham gia, đồ gỗ chiếm 68% , trang trí nội thất chiếm 14%, thủ công mỹ nghệ chiếm 4%, các dịch vụ hỗ trợ chiếm 14%. Phần lớn các doanh nghiệp đến từ TPHCM với 65% và có 2 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Malaysia và Croatia.
Một thách thức khác đến từ Trung Quốc, khi từng có một thời tại thị trường phía Bắc ngập tràn đồ gỗ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Hạnh cho hay, dựa trên tình hình sáu tháng đầu năm, dự báo cả năm 2014, đồ gỗ nhập khẩu chiếm khoảng 20% thị trường trong nước, trong đó hàng nhập từ Trung Quốc giảm rõ rệt. “Đây là tín hiệu đáng mừng khi những năm trước, con số này là 30-40%”, ông Hạnh nói.
Tuy vậy, theo ông Hạnh, một thách thức khác đến từ Trung Quốc liên quan đến nguồn nguyên liệu cho ngành đồ gỗ. Hiện tại, gỗ rừng tại Việt Nam chỉ đủ đáp ứng 50% nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, năm 2013, Việt Nam khai thác được 15 triệu mét khối gỗ tràm thì lại bán đến 10 triệu mét khối cho Trung Quốc và một số thị trường khác như Nhật Bản, Hồng Kông... Trung Quốc dùng gỗ này để làm ra sản phẩm và xuất khẩu sang nước ta với giá bán được đội lên nhiều lần.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10-2014, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 528 triệu đô la Mỹ, nâng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 4,98 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam có thể đạt 6,3 – 6,5 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2014.
Theo TBKTS