Miền Trung-Tây Nguyên bàn phương án xả lũ hồ chứa, giảm lũ hạ du
Hôm nay (31.10), tại TP Quy Nhơn, diễn ra hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - trách nhiệm và thách thức”, do Báo Lao Động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: LĐO
Với các quyết định mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành hàng loạt quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông ở miền Trung - Tây Nguyên, địa phương vốn là “rốn lũ” của cả nước, hội thảo không chỉ nêu về chủ trương mới của Nhà nước, những băn khoăn, trăn trở của địa phương... mà mong muốn tìm ra những giải pháp tối ưu trong câu chuyện giao quyền vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa cho chủ tịch tỉnh, góp phần giảm thiểu thiên tai cho nhân dân vùng hạ du.
Những hệ lụy
Hơn 10 năm nay, hàng chục nhà máy thủy điện lần lượt được xây dựng, đưa vào khai thác trên các dòng sông ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng hệ lụy gây ra cũng không ít cho các địa phương. Chỗ ở của người dân vùng dự án bị xáo trộn, sinh hoạt sản xuất của người dân vùng hạ du, ven các triền sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Sống chung với lũ”, cụm từ này xuất hiện từ thực tiễn cuộc sống, từng trả giá bằng nhiều sinh mạng, tài sản của người dân trước khi thành một giải pháp ứng xử với thiên tai và thành khái niệm mới trong từ điển. Thế nhưng, những kinh nghiệm “sống chung với lũ” được đúc kết từ nhiều đời, bỗng lỗi thời. Ngoài những bất trắc, thay đổi dị thường của thời tiết, thiên tai do biến đổi khí hậu, sự xuất hiện hàng loạt các NM thủy điện bậc thang trên các hệ thống sông ngòi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã khiến lũ lụt không còn theo quy luật. Lũ ở miền Trung và Tây Nguyên giờ quá bất ngờ, khó lường định và thành nỗi ám ảnh của người dân ở vùng hạ du.
Mùa mưa bão 2009 đã trở thành mốc lịch sử về sự tàn khốc và thất thường của lũ lụt ở miền Trung-Tây Nguyên, trong đó, có nguyên nhân do thủy điện gây chồng lũ. Tại tỉnh Quảng Nam, những năm qua các nhà máy thủy điện “rủ nhau” xả lũ với lưu lượng rất lớn. Trong cơn bão lũ tháng 11.2013, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, sông Bung 4, sông Bung 5 xả lũ khiến cả huyện ngập sâu trong nước.
Tỉnh Quảng Nam vào mỗi mùa lũ đều phải “năn nỉ” các thủy điện không xả lũ “chồng” lên lũ ở hạ du, nhưng vẫn không làm giảm được những trận “lũ nhân tạo”. Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mặc dù đã có quy trình vận hành liên hồ chứa, nhưng việc xả lũ do các chủ hồ tự quyết, nhiều khi tỉnh cũng không can thiệp được. Bức xúc trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng rất nhiều lần báo cáo, đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành T.Ư cần điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa để phù hợp với thực tiễn, giảm lũ cho hạ du”.
Những thách thức mới
Ông Nguyễn Văn Vỹ - PGĐ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Cục Quản lý đê điều và PCLB - Bộ NNPTNT) cho biết, để khắc phục những bất cập nảy sinh trong thực tế điều hành vận hành giảm lũ cho hạ du, tăng cường khả năng phòng tránh lũ lụt, góp phần điều chỉnh các cơ chế chính sách vận hành liên hồ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TNMT điều chỉnh các quy trình vận hành cũ, xây dựng mới quy trình cho các sông. Năm 2014, Thủ tướng đã ban hành đủ 7/7 các quy trình vận hành liên hồ chứa cho các hệ thống sông trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện cần chấm dứt nạn xả lũ chồng gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du. Ảnh: LĐO
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ làm “nhạc trưởng” trong công tác giữ, xả nước các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trong mùa mưa. Quyết định có hiệu lực ngay trong mùa mưa bão năm nay. Quy trình này kỳ vọng giúp các địa phương chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai một cách trực tiếp, đồng bộ và có hiệu lực cao nhất. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, thách thức cho người điều hành, đòi hỏi phải có nhân sự chuyên trách và sự phối hợp chung một cách kịp thời của nhiều ngành, nhiều tỉnh.
Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho các cơ quan tham mưu và chủ tịch các tỉnh khi đứng trước các quyết định có thể ảnh hưởng đến sinh mạng hàng vạn người dân hạ du và các công trình thủy điện.
Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vấn đề quan trọng nhất trong vận hành liên hồ là phải có đầy đủ thông tin dự báo diễn biến mưa lũ, thông tin về tình trạng ngập lụt ở hạ lưu. Nếu thiếu các thông tin này, các hoạt động vận hành liên hồ sẽ mất phương hướng. Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Bộ NNPTNT, Bộ TNMT cần có hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể, nhất là trong lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng.
Ông Huỳnh Vạn Thắng - PGĐ Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho rằng, để thực hiện tốt quy trình, cần tăng cường đầu tư cho hoạt động dự báo mưa lũ ở miền Trung và tiến tới xây dựng quy trình vận hành theo thời gian thực trên cơ sở của các mô hình dự báo phù hợp với đặc điểm riêng khác biệt của mưa lũ khu vực. Ban PCLB tỉnh và các chủ hồ thủy điện phải tăng cường công tác phối hợp trong quá trình ra quyết định vận hành, trao đổi, cung cấp cập nhật thông tin liên tục trong quá trình lũ để có những quyết định vận hành hiệu quả nhất.
Để chủ tịch tỉnh có thể ra lệnh điều tiết lũ có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân hạ du, cần có sự hỗ trợ, phối hợp đồng bộ.
Với vai trò “chủ nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - bà Trần Thị Thu Hà cho rằng: “Đây là dịp để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, tăng cường sự phối kết hợp và thảo luận các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức này.
Hy vọng qua cuộc hội thảo, chúng ta sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm hữu ích từ các địa phương trong khu vực, ý kiến chuyên môn của các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành quy trình vận hành liên hồ chứa cho các sông lớn ở miền Trung - Tây Nguyên”.
Theo Trương Tâm Thư - Thanh Hải (báo Lao động)