Quyền của mỗi người !
Kể từ ngày 1.5, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành. Với luật này, những người hút thuốc lá phải chú ý điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp hoàn cảnh để không ảnh hưởng đến người không hút thuốc lá.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có không ít quy định pháp luật đã được ban hành nhưng hiệu lực thực thi không cao. Vì vậy, hiện dư luận xã hội cũng đang… “hồi hộp” để theo dõi và chờ đợi xem Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ được thực hiện như thế nào và liệu có mang lại những thay đổi tích cực? Trong những ngày qua, diễn biến thực tế cho thấy tình hình hút thuốc lá ở các nơi thuộc diện cấm như bệnh viện, trường học, công sở, phương tiện giao thông công cộng… vẫn diễn ra y như khi luật này chưa có hiệu lực thi hành.
Theo đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và rất phổ biến chuyện hút thuốc lá ở những nơi công cộng. Theo số liệu của các cơ quan y tế cho biết, tỉ lệ người không hút thuốc lá bị ảnh hưởng bởi khói thuốc (hút thuốc thụ động) ở nơi làm việc là 49%, ở nhà 68% và từ 85 - 93% là ở quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu... Đặc biệt đáng báo động là số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước ta cao gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ, tức là vào khoảng 100 ca/ngày (!). Với con số đáng “giật mình” này thì rõ ràng việc phòng, chống tác hại do thuốc lá không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe của mỗi cá nhân. Trái lại, cần coi đây là vấn đề “quốc gia đại sự” có liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Được biết, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, một dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được soạn thảo và đang trình Chính phủ phê duyệt, ban hành trong thời gian tới. Theo đó, sẽ có các quy định chi tiết các hình thức chế tài đối với những hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá, và mức phạt nặng nhất lên đến 50 triệu đồng...
Về mặt tâm lý, có thể thấy hút thuốc lá là một nhu cầu mang tính cá nhân và với không ít người thì đây là một thú vui, một thói quen không dễ dứt bỏ. Hút thuốc lá là quyền của người hút thuốc lá. Không hút thuốc và không bị tác động không mong muốn của thuốc lá cũng là quyền của những người không hút thuốc. Do đó, bên cạnh các quy định, chế tài thì bản thân những người hút thuốc cần có động lực tự thân của chính mình trong việc hút thuốc. Mỗi người có thể hạn chế hay từ bỏ thuốc lá do nhu cầu cá nhân. Nhưng với các quy định pháp luật liên quan đến chuyện hút thuốc đã có hiệu lực thi hành thì việc tuân thủ nó là điều bắt buộc.
Hải Đăng