Chuyện… nội địa
* Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
MỘT
Trường có vần ương. Ương như Khương, Lương, Tương, Mương… Và “ương” cũng từa tựa như đường để rồi từ đường mà thương. Tôi nói giỡn thôi! Chứ do Trường làm mía, mở lò. Cái đó người ta kêu là dựng che và hồi đó còn phải dùng trâu để ép. Bởi thứ gì thì không dám nói, chứ các loại đường dễ dầu gì lũ tui thiếu.
Chỗ tôi và mấy cô bạn ở trọ đối diện với “che” của Trường. Ngày nào Trường cũng qua nhà. Cái cách Trường ở trần trùng trục mặc quần công nhân xanh đen, phơi cả một khoảng ngực vạm vỡ và đen đủi sầm sầm bước thẳng vào cửa với một tay bưng tộ đường dẻo, một tay cầm đúng năm cái bánh tráng nướng, là một hình ảnh khá bắt mắt và hết sức đàn ông. Tôi có thói quen từ khi đó. Nhìn ngắm Trường như nhìn ngắm một người đàn ông có rất nhiều hấp lực. Chỉ nhìn ngắm thôi chứ nghe Trường nói chuyện rồi ngó Trường lúc này ớn lắm!
Ai đời đem qua năm cái bánh tráng thì ngồi phết đường ăn hết ba cái rưỡi. Vừa ăn vừa cười: “Mấy cô đâu có lao động như tui. Đói bụng gì mấy, mà cũng đâu có thèm ngọt”. Tôi nói với bạn: “Tao ăn đường dẻo của thằng này hoài mà tức quá. Sao chỉ có dính răng không vầy?”. Bạn chun mũi: “Có muốn dính tình hay không là do mày chứ!”. Mà đúng là do tôi chứ Trường thiệt thà, vô tư lắm. Ờ! Để ý. Ờ! Thương. Mà tui thương ai là cưới. Tui không biết chuyện trai gái đâu nghen. Hẹn hò chi mệt. Là Trường.
Tôi đã nghĩ nếu mình cứ công tác ở quê miết chắc gì hai đứa đã nên duyên chồng vợ. Đây, tôi về phố, Trường phải rượt theo tôi, ít nhất cũng một tuần vài ba lần. Gần thấy đâu có gì. Xa thấy cũng tồi tội, rồi mến rồi thương. Nhắc tới Trường, má cười rung cả hai vai: “Cái ông đây sao mà tui ớn. Nội cái nước đen của ổng là tui đã bắt nhớ mấy cái lão chà và bán vải hồi trước. Vừa nhìn đã thấy cay cay cái mùi cà ri nơi cổ rồi”.
Hồi đó, mỗi lần Trường tới thăm tôi là cả xóm mừng và ấn tượng với hình ảnh Trường một tay cầm lái chiếc Honda 67, một tay xách nguyên cái xoong chạy sầm sầm vô ngõ. Người đen thui mà cái xoong cũng đen thui. Người đen vì cày bừa, bươn chải nắng mưa bụi bặm; cái xoong đen vì dính đầy bồ hóng và lọ nghẹ. Trường đặt xoong ngay trên bàn khách. Cởi mũ lau mồ hôi dính đầy mặt và tự xuống nhà sau rót nguyên ca nước đầy, uống ừng ực. Ba tôi nheo mắt nhìn Trường và hỏi cho có:
- Chứ xách vầy có nặng không? Lỡ rớt thì sao!
- Rớt gì được? Cột ràng bằng dây giang rừng, làm cái tay cầm luôn. Chắc nụi.
- Mà cháu cho gì nhiều vậy?
- Nhiều gì. Thì để ăn dần, cho nẫu bớt. Một lần đi, một lần khó. Một lần cho đường, một lần cực.
Trường nói trổng trổng vậy à! Đôi hồi còn thò thụt tiếng “mẹ nó” ở đầu môi, khiến tôi nhiều phen sợ xanh mặt. Tôi nói Trường anh đi hết đây hỏi coi có ai tới đòi ưng con gái người ta mà cứ “mẹ nó”? Mẹ nó là mẹ tui hay mẹ anh, hử? Trường nghe xong thì gãi đầu. Đáng yêu làm sao!
Chị tôi dích đường dẻo ra từng chén nhỏ và đem cho mấy người chung quanh. Trước mặt, ai cũng khen thằng đó tội, vô hoài và cho đường hoài nhưng sau lưng ai cũng chê. Cái thằng gì mà xấu òm, quê rình và đen thui. Nội tôi ăn chừng hai muỗng nhỏ. Bà nhâm nhi với một bình trà đậm gắt, gật gù khen ngon và cười với hai hàm răng rụng gần hết: “Nó xấu xí, cộc lốc, khô khan mà đường nó đẹp, ướt át, thơm tho. Mày lấy nó cũng được mà không cũng được. Lấy cũng phải mà không lấy cũng không sai”. Ba tôi nhai bánh tráng phết đường rôm rốp, nói trững giỡn: “Từ đường khiến thương và thương, thương là bởi đường. Tao gả quách là xong”.
Đám cưới tôi nửa quê, nửa tỉnh. Đãi ở sân thượng nhà và ăn toàn các “món ở nhà hàng”. Đó là nói theo mấy người bà con phía chồng tôi ở trên quê. Nhưng không vui và sinh động bằng bên nhà Trường. Sân vườn mênh mông nên đâu cần dọn bàn trong nhà và đám bạn Trường mới quậy hung chứ! Tiệc tùng xong cũng hơi khuya. Trường say vùi nằm mê mệt, từ sau khi chúng tôi tiễn đưa người khách cuối cùng ra về. Tôi vội thay đồ để còn cùng với người nhà thu dọn. Vừa xong thì điện cúp và thấy trăng. Trăng phủ nhờ nhờ lên khoảng sân một lớp mơ vàng yếu ớt. Và khi tôi đi tắm, trăng vờn trên da thịt tôi, đọng đầy nơi gánh nước, rắc sắc vàng lên cây khiến tôi ngẩn ngơ. Trăng ở nông thôn đẹp thật và từ giờ trở đi, tôi đã thật sự thuộc về nơi này. Thuộc về một ánh trăng không bắc ngang phố, không trải dài trên biển và những dãy nhà san sát, liền kề.
HAI
Qua thôi nôi thằng Tí, vợ chồng tôi cất nhà riêng. Cũng cùng một khuôn đất của bà nội. Hai đứa cãi nhau về cái buồng, cái bếp, cái đòn dông, cái hiên, cái mái… Tôi đã ngộp thở hung rồi ở cái buồng cũ nên muốn phòng ngủ của mình rộng rãi hơn và thoáng đãng. Trường nói chi vậy cho tốn. Mẹ nó! Chỉ là chỗ “ình” mà cũng sinh chuyện. Tôi nạt lại: “Ai sinh chuyện?”. Trường đuối lý cứ “mẹ nó” khan.
“Mẹ nó” đã là bản hòa tấu quen thuộc và thiết thân của riêng tôi, từ khi nào chẳng hay. Một bản hòa tấu không dùng cho người biết chơi đàn và thưởng thức âm nhạc. Vẫn rớt đều lên đời. Vẫn rơi đều trên tôi. Ba tôi đã có lần nhận xét: “Vầy vậy đôi hồi lại bền. Sống được chứ sao không?”. Tôi nghĩ sống tốt nữa là khác. Thì đó! Mới mấy năm chung sống mà lũ tôi đã tạo được một số vốn kha khá, cất được nhà, có con trai, gạo đầy phuy, mắm đầy thạp, đậu đổ đầy lu và đường muỗng kê dọc, ngang khắp nhà.
Lấy nhau về tự nhiên tôi hết mê ăn đường và thích ngọt. Lâu lâu Trường mới đem về một tộ, tôi thì càm ràm: “Dính răng bắt ngán” khiến Trường nổi xung: “A! Cái bà này. Dính răng tui chứ dính răng mấy người na, lo gì trời!”. Nói xong không quên cau có: “Mẹ nó! Ra ngoài thấy đàn bà, con gái nẫu sao thèm. Người ta nói chuyện bông, chuyện hoa nghe không là đã muốn kê sát mũi hửi. Nẫu vậy, còn vợ mình? Mở miệng ra là toàn nói chuyện… nội địa, nghe bắt ù tai. Mẹ nó!”. Cũng không biết từ khi nào, tôi đã ưa cái từ “nội địa” nơi cái miệng hàm hồ của chồng mình. Ưa thiệt! Chỉ bực tức la hét om sòm một lần. Đó là khi Trường kéo luôn thằng Tí vào cuộc:
- Tí, mày có thấy bà má mày toàn ưa ba cái chuyện tào lao không?
- Tào lao gì ba?
- Mẹ nó! Báu thiết gì trăng hồi qua rằm mà săm soi, dòm ngó miết.
- Ông không báu. Tui báu.
- Bởi vậy mới kêu tào lao. Mẹ nó! Trăng cũng như con gái á chứ!
- Là sao?
- Mẹ nó! Cái thứ trăng qua rằm. Trăng mười bảy đổ lên nghen. Trăng… nội địa. Ức gì.
Tôi ngớ người trong giây lát và đùng đùng nổi giận. Cơn thịnh nộ cũng qua nhanh khi thấy Trường gãi tai, xoa tóc và thằng Tí mắt trước lấm lét mắt sau. Thật ra theo thời gian tôi thấy cũng có thương. Càng lúc tôi càng ít muốn cãi cọ, gây hấn với Trường. Nghĩ được gì đâu. Rát họng, mỏi miệng, nhức đầu và đau lòng. Không như hồi mới cưới, sao mà nản. Hôn nhân sao nặng nề? Tôi sợ mình bước lết bết riết cái đứng luôn, khéo rã đám. Cũng may tôi chỉ nản và cái nản rồi cũng qua. Không đeo mang hoài bên mình thứ tâm trạng muốn buông xuôi và hắt đổ, khi mỗi ngày đi qua. Dẫu đã nhiều khi nghĩ hôn nhân kiểu này chắc không xong. Cái màu vầy chắc không thọ nổi một mùa trăng vậy mà bảy, tám, mười lăm, ba mươi… mùa qua. Chúng tôi vẫn còn nhau với rất nhiều lấp vấp… Vẫn là vợ, là chồng.
Tôi hay nghĩ vầy: Hôn nhân của người như miếng bánh ngon. Háo hức ăn và mau ăn, mau hết. Hôn nhân tôi là bánh dở, bánh mốc, bánh khô. Tôi nhai qua, nhai lại, nhá tới, nhá lui. Cũng hết mà hết không mau nên mình cứ có ăn hoài. Một ngày qua nhanh rồi tháng rồi năm. Tôi loay hoay miết, bận bịu miết. Mắc lo bán buôn, giỗ quải, dạy dỗ con cái, chăm chút cho gia đình và nói chuyện… nội địa với chồng. Mắc gì chuyện nội địa không hay? Mắc gì trăng… nội địa không đẹp? Chuyện nội địa mà cần sao không nói? Trăng nội địa có sẵn, ngu sao không chịu dòm?
N.M.N