Đừng chủ quan với phòng học xuống cấp
Những năm qua, ngành GD&ĐT đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây trường, lớp mới; song vẫn còn tồn tại không ít phòng học đang xuống cấp nghiêm trọng.
Vừa học vừa lo
Đó là chia sẻ của nhiều học sinh Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) khi phải ngồi học tại dãy phòng xuống cấp. Trong lớp 5D, ngồi thu mình sát cửa sổ ở dãy bàn thứ 5, Huỳnh Quốc Tuấn lắc đầu ngao ngán: “Phòng chật và ẩm thấp quá, bàn ghế kê san sát, chúng em di chuyển khó nhọc. Các cửa sổ rớt hết, nắng chiếu vào phòng chói lòa mắt, mưa thì nước tạt vô nhòe vở, còn hôm gió mạnh, sách vở bay tứ tung. Vừa học, chúng em vừa phải xê chỗ này tránh nắng, dịch chỗ kia trốn mưa”.
Từ đầu năm học đến nay, hiệu trưởng Đinh Thạnh “ăn không ngon, ngủ không yên” với dãy phòng học xuống cấp này. Ông Thạnh cho biết, dãy phòng này trước đây có 5 phòng học, giờ còn 4, xây từ trước giải phóng, sau nhiều lần sửa chữa, hiện xuống cấp trầm trọng. Trường đã tổ chức thẩm định giá trị công trình và thấy rằng phần tường có kết cấu không vững, tất cả cửa sổ đều hỏng, ngói nứt dù trường đã nhiều lần thay thế nhưng vẫn dột và kích thước phòng học quá nhỏ (30 m2, chuẩn hiện là 42 m2). Sau nhiều lần trường kiến nghị, năm 2014, UBND thị xã lên kế hoạch xây lại dãy phòng này, nhưng sau báo lại là phải chờ đến 2015 vì không có kinh phí.
Vẻ lo âu thường trực trên gương mặt ông Thạnh khi nói về thực trạng xuống cấp. “Nhiều năm qua, tôi đã làm đủ mọi cách để tu bổ, sửa chữa, đến giờ thì không thể làm thêm bất cứ điều gì để cứu vãn. Năm học này thiếu phòng, phải dùng tạm 3 phòng cho lớp 5 học buổi sáng, lớp 2 học buổi chiều. Cô và trò học dưới đó, trên này tôi ngồi lo, phụ huynh ở nhà cũng hoang mang. Tôi đã thống nhất với phụ huynh cứ hễ trời mưa là cho các em nghỉ, trường sẽ bố trí học bù. Còn lo cả chuyện một số em đi về cổng sau của trường, ngang dãy phòng này chẳng may gạch ngói rớt bất thình lình”, ông hiệu trưởng thở dài.
Còn rất nhiều tiếng thở dài như thế của người trong cuộc, nhất là ở những điểm trường lẻ. Cô giáo Tô Thị Huỳnh Anh, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) dạy tại điểm trường Vườn Che luôn sợ ngói rớt trúng đầu cháu vì phòng không đóng trần. “Hễ trời mưa là lau hết chỗ nọ đến chỗ kia, rồi canh chừng cháu trượt chân té. Vài tuần nay, được chuyển đến học tạm ở trụ sở thôn Công Chánh, chen chúc chật chội, thiếu thốn đủ bề nhưng lại thấy yên tâm”, cô Anh chia sẻ.
Không được chủ quan
Thường xuyên về các trường làm việc, TS Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thấy còn nhiều dãy phòng xuống cấp trong các trường, đặc biệt ở các điểm lẻ. Ông Huỳnh Đăng Khanh nhận xét: “Rất nhiều dãy phòng học trong nhà trường và điểm lẻ được xây từ thời bao cấp, thường là nhà cấp 4, qua thời gian dài sử dụng, chất lượng công trình không đảm bảo. Tuy các trường ra sức “tân trang”, tạo vẻ bề ngoài khang trang, sáng sủa nhưng thực chất bên trong đã rệu rã”.
Với những dãy phòng hư quá nặng, không dám tận dụng dạy-học, phải thanh lý, nỗi lo của nhà trường còn lớn hơn vì công trình có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa bão. Từng mỏi mòn xin dỡ bỏ một dãy phòng học, một hiệu trưởng chia sẻ, phải chờ trong nhiều năm để được bố trí kinh phí tháo dỡ. “Phải canh chừng gắt gao học sinh vì có để biển báo nguy hiểm nhiều em cũng không để ý”, vị hiệu trưởng lo âu. Còn nhớ, đầu năm này, một học sinh ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) đi ngang dãy phòng học cũ chờ thanh lý, bị trụ đỡ mái đổ sập lên người đã chết ngay tại chỗ.
Với những công trình còn giá trị sử dụng, việc tổ chức đấu thầu mất rất nhiều thời gian. “Cần tổng hợp kiến nghị của nhiều trường rồi mới chuyển qua các sở ngành liên quan. Chuyển lắt nhắt dễ bị rầy rà lắm”, chuyên viên một phòng GD&ĐT “bỏ nhỏ” như vậy.
Dù đầu mỗi năm học, các phòng GD&ĐT luôn yêu cầu các trường rà soát những công trình xuống cấp, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, chính quyền chỉ ưu tiên giải quyết những “ca nặng”. Năm 2014, huyện Tuy Phước có kế hoạch dỡ bỏ các phòng học mầm non xuống cấp và xây mới 16 phòng, còn 14 phòng sửa chữa lại để dạy học tạm chờ sang 2015 xây. Huyện Hoài Nhơn cũng đã chuyển hơn 40 phòng học đang xuống cấp sang năm 2015 sửa chữa lớn.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh kêu gọi: “Hãy quan tâm hơn đến các công trình xuống cấp trong trường học. Thời tiết đang diễn biến bất thường. Mùa đông này, trời có mưa rất to vào buổi tối, dễ làm mục ruỗng những kết cấu công trình xuống cấp. Một khi tai họa xảy ra, cái giá phải trả là thương tật, có khi là mạng sống của các em học sinh vô tội. Đầu tư cho công trình xuống cấp trong nhà trường là việc không thể chờ đợi”.
NGỌC TÚ