Cái tâm của “thầy cãi”
Tại một số phiên tòa chỉ định không thể không có luật sư, hoặc đối với một số trường hợp thuộc đối tượng chính sách cần phải có trợ giúp viên pháp lý để bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, chất lượng bào chữa như thế nào và trách nhiệm của người bào chữa đến đâu mới đáng quan tâm.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, một kiểm sát viên huyện Hoài Nhơn đã đưa ra một câu chuyện đau lòng. Một nữ sinh học lớp 11 mang thai nhưng không hề biết và cha mẹ em cũng không hề hay biết chuyện này. Đến ngày đến tháng, em đau bụng và sinh một bé trai ngoài ruộng mì. Quá hoảng sợ, em vứt con ra phía bờ rào ngay trong đêm. Sáng hôm sau gia đình biết chuyện thì đến chiều cháu bé mất. Nữ sinh này bị truy tố bởi hành vi trên và xử phạt 3 tháng tù giam dù viện kiểm sát chỉ đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Nữ kiểm sát viên chua xót: “Giá như người bào chữa trong vụ án làm việc có trách nhiệm hơn, hướng dẫn gia đình bị cáo kháng án, xin giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có thể tiếp tục việc học thì có lẽ cuộc đời em ấy đã rẽ sang một hướng khác, chứ không phải vào tù chịu án”.
Một câu chuyện khác nữa. Ấy là trong một phiên tòa xử công khai, bị cáo đã khai với hội đồng xét xử: Luật sư sau khi ngồi cùng với bị cáo trong buổi hỏi cung, đã quay sang rủ điều tra viên đi nhậu (!). Không ai cấm việc luật sư quen biết với điều tra viên, rủ đi nhậu, nhưng cái cách thể hiện không e dè hoặc lộ liễu đến mức bị can nghe được, thì không ổn chút nào. Bị can có quyền nghi ngờ về độ xác thực, tính nghiêm túc và chuyên nghiệp của luật sư lắm chứ. Và rồi, liệu việc quen thân này có ảnh hưởng gì đến tính chính xác, nghiêm minh của bản án, đến bị can, bị cáo không đây.
Một thẩm phán nhận xét, dĩ nhiên không phải luật sư và người bào chữa nào cũng thế cả. Cũng có những người có tâm, làm việc đầy trách nhiệm đối với thân chủ hoặc người được bào chữa của mình. Chứng cứ, luận cứ đưa ra chắc chắn, sắc sảo, có tình có lý và đã thuyết phục được hội đồng xét xử. Và không phải vụ án nào “được thuê” thì mới nỗ lực hết sức, còn như chỉ định thì thôi, cầm chừng cho hết trách nhiệm. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của “thầy cãi”.
ANH THƯ