Tăng cường kiểm sát nhằm hạn chế oan, sai trong án hình sự
Sau sự kiện án oan “Nguyễn Thanh Chấn” ở tỉnh Bắc Giang, hay CA TP Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết nghi phạm, dư luận có quyền nghi ngờ có hay không tình trạng bức cung, dụ cung hay dùng nhục hình khi điều tra các vụ án hình sự. Đây là vấn đề Đoàn giám sát Ban Pháp chế đặc biệt lưu tâm trong đợt giám sát công tác kiểm sát chấp hành pháp luật của ngành kiểm sát từ ngày 22 đến 31.10.2014.
Kiểm sát tốt, hạn chế hủy án và án oan sai
Theo số liệu thống kê của ngành kiểm sát từ năm 2013 đến tháng 6.2014, viện kiểm sát nhân dân (KSND) 2 cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với 1.236 vụ án hình sự/2.500 bị can; ra quyết định truy tố 1.016 vụ/1.669 bị can, đình chỉ điều tra 13 vụ/27 bị can trong tổng số 1.061 vụ/1.781 bị can được ngành thụ lý. Không có bị can bị đình chỉ điều tra do không phạm tội. Về án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện KSND tỉnh trả hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung 5 vụ, tòa án trả hồ sơ cho Viện điều tra bổ sung 16 vụ.
Đối với công tác kiểm sát xét xử, ngành thụ lý 1.184 vụ/2.439 bị cáo. Qua xét xử 1.059 vụ/2.188 bị cáo, tòa án tuyên hủy 10 vụ để điều tra xét xử lại. Tỉ lệ án kháng nghị hình sự phúc thẩm được tòa chấp nhận là 25/28 vụ, đạt tỉ lệ 89%. Không có bị cáo nào bị kiểm sát truy tố mà tòa tuyên không phạm tội. Ông Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, khẳng định, thời gian qua, không có bị can đình chỉ điều tra do không phạm tội, không có án oan, sai thuộc trách nhiệm của ngành.
Tuy nhiên, từ giám sát tại một số các địa phương và trực tiếp tham gia xét xử tại các phiên tòa hình sự, một số thành viên tham gia Đoàn giám sát Ban Pháp chế đã đặt vấn đề có hay không việc bức cung, dùng nhục hình trong điều tra?
Một thành viên trong Đoàn giám sát là thẩm phán trực tiếp xét xử các vụ án hình sự phản ánh, TAND tỉnh vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung một vụ án “trộm cắp tài sản” vì còn nhiều điều cần phải làm rõ thêm. Theo đó, tại tòa các bị cáo đều chối tội và khai bị điều tra viên đánh nên mới nhận tội. Lời khai trong hồ sơ vụ án này cũng còn nhiều mâu thuẫn... Trước đó khoảng một tuần, TAND tỉnh cũng xử phúc thẩm một vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” kéo dài từ năm 2009 do bị hủy án nhiều lần bởi tính chất phức tạp của vụ án, trong đó có liên quan đến việc bị cáo có đơn khiếu nại bị bức cung, tố cáo điều tra viên dùng nhục hình.
Việc tranh tụng giữa kiểm sát viên với bị cáo, luật sư tại phiên tòa sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề có thể dẫn đến các kết quả khác nhau.
- Trong ảnh: Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong một phiên tòa xét xử án hình sự.
Nâng cao trách nhiệm kiểm sát viên
Ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng với chức năng thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra, xét xử và kiểm sát các hoạt động tư pháp, ngành kiểm sát hiện đang đóng vai trò trung tâm trong hoạt động tư pháp. Qua thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra, xét xử, và việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát viên sẽ phát hiện vi phạm quy định trong thủ tục tố tụng hình sự, hoặc dùng nhục hình, dụ cung hoặc bức cung trong quá trình điều tra, đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người đúng tội. Còn theo ý kiến của một thành viên khác trong Đoàn giám sát, việc tranh tụng giữa kiểm sát viên với bị cáo, luật sư (nếu có) tại phiên tòa sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề và sẽ cho ra các kết quả khác nhau, cho thấy vai trò rất quan trọng của kiểm sát viên.
Ông Văn Thanh Gia, Viện trưởng Viện KSND huyện Hoài Nhơn cho hay, để hạn chế tình trạng án bị huỷ hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung do lỗi của kiểm sát viên, hàng quý đơn vị đều họp rút kinh nghiệm đối với từng vụ án, qua đó nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của kiểm sát viên trong công tác kiểm sát, điều tra, xét xử án hình sự. Trong khi đó, là người đứng đầu của đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu thi đua toàn ngành kiểm sát, ông Phạm Thanh Tùng, Viện trưởng Viện KSND TP Quy Nhơn, lại chia sẻ: “Những năm qua, nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 3 ngành công an- kiểm sát - tòa án nên đã không xảy ra tình trạng án hình sự trả điều tra bổ sung (tỉ lệ 0%). Đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ về điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra án oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc án quá hạn tồn đọng, quá hạn điều tra; đồng thời kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm điểm điều tra viên vi phạm các thủ tục tố tụng hình sự”.
Thời gian vừa qua, ngành kiểm sát đã không để xảy ra tình trạng án oan sai, đặc biệt trong án hình sự. Để phát huy tốt điều này, đề nghị ngành kiểm sát tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giam, tạm giữ, đồng thời nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên. Ban Pháp chế HĐND tỉnh khuyến nghị với CA tỉnh tăng cường chỉ đạo việc tạm giam, tạm giữ; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Viện KSND cùng cấp kiểm tra, giám sát tại các nhà tạm giam, nhà tạm giữ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh
THU HÀ