Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Nhiều vướng mắc cần giải quyết
Mặc dù là một trong số ít các địa phương trong cả nước được đánh giá làm tốt công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tuy nhiên việc triển khai thực hiện công tác này ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan.
Nỗ lực thực hiện
Chiều 20.10, nữ hộ sinh Lê Thị Hoa - phụ trách thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh của BVĐK khu vực Bồng Sơn, báo cho người nhà của 6 trẻ sơ sinh chuẩn bị lấy mẫu máu gót chân để thực hiện sàng lọc. Trước khi thực hiện, chị Hoa giải thích cho người nhà biết mục đích của việc sàng lọc cho trẻ sơ sinh. Sau đó, chị hướng dẫn cách bế trẻ thẳng người, dùng khăn sữa thấm nước ấm đặt vào vùng gót chân để việc lấy máu được dễ dàng, ít đau. Khúm núm giữ khăn ấm trên chân cháu ngoại 6 ngày tuổi, bà Nguyễn Thị Chinh (58 tuổi, ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) tâm sự: “Nhiều lần nuôi cháu, nhưng đây là lần đầu tiên tui được nghe nói đến việc lấy máu để sàng lọc bệnh tật”.
Chị Lê Thị Hoa cho biết, đó là 6 ca sàng lọc sơ sinh đầu tiên được thực hiện trong tháng 10 ở BVĐK khu vực Bồng Sơn. 3 tháng trước đó, chị đã làm được 41 ca. “Mãi đến tháng 7 chúng tôi mới nhận được mẫu giấy thấm, nên không thể triển khai sớm được. Khoa Sản đang quá tải nặng, công việc rất nhiều, nên chúng tôi phải tranh thủ sắp xếp thời gian cho hoạt động tư vấn, lấy mẫu máu sàng lọc”, chị Hoa chia sẻ.
Từ 19.9 đến 17.10, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức 11 buổi giám sát việc triển khai các hoạt động của Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Theo kết quả giám sát, từ đầu năm 2014 đến ngày 17.10, cả tỉnh thực hiện 628 ca sàng lọc sơ sinh, đạt 48,3% số mẫu miễn phí được Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Đại học Y dược Huế) cấp. Đạt từ 60-70% chỉ tiêu được giao là TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão; đạt trên 75% là các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Vân Canh. Kết quả sàng lọc phát hiện 5 ca nghi ngờ thiếu men G6PD và 2 ca nghi ngờ thiểu năng giáp.
Với sàng lọc trước sinh, cả tỉnh thực hiện được 50 ca, chiếm 15,7% số mẫu miễn phí được cấp. Huyện An Lão thực hiện đạt 73% chỉ tiêu, các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn thực hiện 30% chỉ tiêu được giao. Riêng huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn chưa được phân bổ mẫu sàng lọc trước sinh. Qua sàng lọc phát hiện 10 ca có nguy cơ cao mắc bệnh Down. Tất cả các trường hợp có nghi ngờ đều được tư vấn về các bước xử lý tiếp theo.
Giải quyết khó khăn
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Quang, đối tượng được hỗ trợ sàng lọc trước sinh và sơ sinh quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BTC-BYT là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã thuộc đề án dân số biển. Đây chính là trở ngại lớn cho việc mở rộng đối tượng tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Điển hình, thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn đều không được triển khai Đề án 52 (Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển); cũng rất ít đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, đối tượng nghèo, cận nghèo ở độ tuổi sinh đẻ, nên việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo Thông tư 20 rất khó khăn. Trong khi một số đối tượng có nhu cầu được làm sàng lọc nhưng chưa có hướng dẫn thu phí bao nhiêu, thu như thế nào… nên chưa triển khai được. Việc thực hiện sàng lọc trước sinh còn khó thực hiện do giới hạn tuổi thai làm sàng lọc là 11-14 tuần, nhiều đối tượng đến khám đã quá tuổi thai theo quy định.
“Để khắc phục khó khăn này, Chi cục sẽ tổ chức cuộc họp cùng các Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện cùng thảo luận cách thức triển khai xã hội hóa công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo giá dịch vụ sau khi có chỉ đạo thống nhất từ Trung ương để trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Quang cho biết.
Thêm một khó khăn khách quan nữa là hoạt động sàng lọc sơ sinh chưa được thực hiện tại Trạm Y tế xã. Tại huyện Phù Cát, số ca sinh ở xã chiếm 15% tổng số ca sinh của toàn huyện, trong đó nhiều nhất là Cát Minh. Tại xã đặc biệt khó khăn Vĩnh An (huyện Tây Sơn), mỗi năm cũng có khoảng 35 ca sinh tại trạm. Ông Quang cho hay, trước đề nghị được vào cuộc của các trạm y tế, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tổ chức tập huấn về quy trình lấy máu sàng lọc sơ sinh, cách thức ghi, gửi mẫu máu, tư vấn sau sàng lọc sơ sinh cho nhân viên y tế của trạm y tế các xã biển ở Phù Cát và xã Vĩnh An để thực hiện sàng lọc sơ sinh.
NGUYỄN VĂN TRANG