Phát triển cây bắp gắn với công nghiệp chế biến
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã triển khai chương trình phát triển cây bắp trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, tăng thu nhập cho nông dân.
Hiệu quả thấy rõ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, trong đó tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang sản xuất 2 vụ/năm và chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, ưu tiên trồng bắp. Ngành cũng đã đẩy mạnh công tác lựa chọn các giống bắp mới có tiềm năng năng suất cao, xây dựng các mô hình trình diễn và hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân áp dụng vào thực tế. Nhiều giống bắp lai cao sản: SSC2095, SSC586, B06, PC999… đã được thâm canh, xen canh trên nhiều chân đất khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2010, toàn tỉnh trồng 7.758 ha bắp, năng suất 52,1 tạ/ha, đến năm 2013 diện tích bắp tăng lên 8.400 ha, năng suất 56,2 tấn/ha. Đáng chú ý là sản xuất bắp trên diện tích lúa chuyển đổi mang lại hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của nông dân. Tại các xã Canh Vinh (Vân Canh) và Mỹ Tài (Phù Mỹ), nông dân sản xuất giống bắp lai SSC 586 trên đất chuyển đổi, năng suất đạt 75-80 tạ/ha, lợi nhuận 28,42 triệu đồng/ha. Còn tại xã Ân Phong (Hoài Ân), vụ 3 năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình trồng bắp lai giống mới PAC 999 với diện tích 2 ha trên chân đất chuyển đổi, trong điều kiện nắng hạn thiếu nước tưới, nhưng năng suất thực thu của mô hình vẫn đạt 71,11 tạ/ha. Theo tính toán của nông dân địa phương, với giá bắp hiện nay 6.000 đồng/kg, 1 ha bắp lai PAC 999 sản xuất trong 3 tháng, cho thu nhập trên 42 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa DV 108 trên cùng một diện tích.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Sản xuất bắp trên đất lúa chuyển đổi đã tiết kiệm được lượng nước tưới khá lớn, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Bởi vậy, chủ trương của tỉnh là quy hoạch lại sản xuất theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng cạn, trong đó ưu tiên phát triển cây bắp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường”.
Theo ngành Nông nghiệp, ngoài diện tích bắp sản xuất hàng năm 8.400 ha, quỹ đất để chuyển đổi từ cây lúa sang trồng bắp và các loại cây trồng khác tại các địa phương còn khoảng 19.660 ha. Đầu ra sản phẩm cây bắp cũng rất thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 nhà máy chế biến thức ăn gia súc đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 765 ngàn tấn sản phẩm/năm. Đến cuối năm nay, sẽ có thêm 6 nhà máy chế biến thức ăn gia súc khác đi vào hoạt động, tổng công suất của 13 nhà máy là 1,91 triệu tấn sản phẩm/năm, nhu cầu nguyên liệu bắp hạt mà các nhà máy cần khoảng 600 ngàn tấn/năm. Mặt khác, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta phát triển ngày càng mạnh, nhu cầu bắp phục vụ cho vật nuôi tại chỗ cũng rất lớn.
Trên cơ sở đó, tỉnh ta đã xây dựng phương án phát triển cây bắp gắn với quy hoạch chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu đến năm 2015 phát triển diện tích bắp lên 12.000 ha, sản lượng đạt 69.600 tấn, tăng 3.600 tấn so với năm 2013. Đến năm 2020, diện tích bắp tăng lên 15.000 ha, sản lượng 94.400 tấn. Vùng sản xuất bắp trọng điểm là An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương rà soát lại quỹ đất chuyển đổi, tiếp tục lựa chọn các giống bắp có tiềm năng năng suất cao, xây dựng giải pháp kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân áp dụng. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) có sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, tạo mối quan hệ gắn kết giữa nhà máy chế biến với nông dân. Trước mắt, thị xã An Nhơn và các huyện có diện tích trồng bắp lớn xây dựng CĐML sản xuất bắp lai, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng. Ngành chức năng và các địa phương cũng cần phải thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, các HTXNN và bà con nông dân đầu tư phát triển sản xuất, cùng gắn kết làm ăn có hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ