Quốc hội thảo luận về tái cơ cấu kinh tế: Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình
Sáng 1.11, Quốc hội đã tiến hành phiên giám sát tối cao, thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015.
Mở đầu phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Báo cáo nhận định, qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu. Cụ thể là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đến năm 2013, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước từ 20,08% xuống còn 18,38%, tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,92% lên 81,62% GDP. Cán cân thương mại cải thiện đáng kể, xuất siêu liên tục từ 2012 đến nay, riêng 9 tháng đầu năm 2014 xuất siêu ước đạt 2,47 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, tốc độ tăng trưởng GDP ước thực hiện bình quân 5 năm 2011-2015 là 5,78%, không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%). Điều này cho thấy những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình rõ nét.
“Vấn đề đặt ra là kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì, phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế” - ông Nguyễn Văn Giàu phân tích.
Chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu giúp phân bổ vốn nhà nước tập trung, hiệu quả hơn. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7% GDP). Tuy nhiên, việc giảm nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư thời gian qua đặt ra thách thức phải tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2014 và 2015 nếu muốn đạt chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm khoảng 33,5%-35% GDP để tác động tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo việc làm nhiều hơn. Năng suất lao động xã hội tăng (năm 2011: 3,5%; năm 2012: 6,1%; năm 2013: 10,1%), có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2015 tăng từ 29-32% so với năm 2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, quá trình tái cơ cấu càng cho thấy rõ hơn thực trạng của nền kinh tế; Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình; Chưa tính toán được một cách toàn diện mối quan hệ tác động lẫn nhau trong tái cơ cấu ở các lĩnh vực trọng tâm và cả nền kinh tế; Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công; Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch đầu tư ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; Tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá; Việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới; Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu DNNN và đầu tư công; Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD còn chậm.
Trên cơ sở kết quả giám sát, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế từ nay đến hết năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị một số vấn đề:
Thứ nhất, cần kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 để đến năm 2015 bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nhất là lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng; mô tả cụ thể các mục tiêu, lộ trình, tăng tính cạnh tranh trong kế hoạch hàng năm và 5 năm; phương thức phân bổ lại nguồn lực; hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương. Tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2015 trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đồng bộ thị trường lao động, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ, tăng tính liên kết vùng.
Thứ ba, rà soát trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các đạo luật phù hợp với nội dung mới của Hiến pháp; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt các luật đã được Quốc hội thông qua. Chuẩn bị tốt để trình Quốc hội dự án Luật quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn, bảo đảm kỷ cương, tính thống nhất trong công tác quy hoạch, đồng thời bổ sung dự án Luật công nghiệp phụ trợ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015-2016. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có sinh lời thay dần cho đầu tư công; Cần quy định mức tối thiểu giá trị dự án, công trình phải kêu gọi đầu tư từ thành phần ngoài nhà nước, trường hợp các nhà đầu tư ngoài nhà nước không tham gia thì mới thực hiện đầu tư công; Nghiên cứu hoàn thiện các hình thức hợp tác công tư (PPP); Tiếp tục rà soát, đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý thông tin, dữ liệu đầu tư công. Xây dựng đề án sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa DNNN đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách để giảm gánh nặng nợ công; tập trung nguồn vốn này đầu tư cho các bệnh viện để khắc phục cơ bản tình trạng quá tải trong vòng hai năm tới; Xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ; Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho Công ty quản lý tài sản của TCTD; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh. Nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với NHTM mà thông qua sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp với quan hệ cung - cầu của thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại.
Thảo luận về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cùng có chung nhận định rằng, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn chậm.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, sau 3 năm tái cơ cấu đã tác động thay đổi nền kinh tế được tốt hơn. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. DNNN với công ty con, cháu, chắt, rồi đầu tư ngoài ngành tràn lan… đã gây trở ngại nhiều cho quá trình tái cơ cấu.
“Nguyên nhận là do chỉ đạo điều hành còn chưa thực sự quyết liệt, chưa hiểu đúng ý nghĩa của cổ phần hoá và sắp xếp lại DNNN” – ĐB Nguyễn Thị Khá phân tích và đề nghị cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để các DNNN tập trung tái cơ cấu, xác định ngành nghề kinh doanh chính, đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh: “DNNN phải chủ động đổi mới, tái cơ cấu chứ không được dựa dẫm vào bộ chủ quản, đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi “cái đuôi” của nhóm lợi ích”.
Trong khi đó, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng, tái cơ cấu kinh tế còn quá chậm. Đề án tổng thể tái cơ cấu đến năm 2013 mới được phê duyệt, nhưng cũng chỉ mới đưa ra định hướng. Kết quả tái cơ cấu đến nay chưa rõ ràng.
Theo Hàm Yên (SGGP)