Ông Đặng Cao Thanh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT):
Khó cấp đổi giấy phép lái xe ô tô đúng lộ trình
Thông tư số 38/2013/TT của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) quy định ngày 31.12.2014 là thời hạn cuối mà các tỉnh, thành phố trong cả nước phải hoàn thành việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET (thẻ nhựa). Đến nay, tỉnh ta mới chỉ chuyển đổi được khoảng 30% số giấy phép cần cấp đổi. Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Cao Thanh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT), có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định.
+ P.V: Thưa ông, liệu việc cấp đổi kịp GPLX ở tỉnh ta có đảm báo đúng thời hạn cuối mà Bộ GT-VT yêu cầu không?
- Ông Đặng Cao Thanh: Kế hoạch đến cuối năm 2014 phải hoàn thành việc cấp đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng thẻ nhựa là rất khó. Theo thống kê, toàn tỉnh có 44.000 GPLX ô-tô bằng giấy cần cấp đổi sang GPLX bằng thẻ nhựa. Dù chuẩn bị đầy đủ nhân, vật lực để phục vụ công tác này, song tiến độ thực hiện còn chậm. Trong 10 tháng đầu năm 2014, Sở GT-VT đã cấp đổi được trên 13.000 lượt GPLX bằng vật liệu mới PET. Hiện nay, bình quân mỗi ngày có 120-150 người đến chuyển đổi GPLX. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu từ nay đến cuối năm 2014 sẽ cấp đổi thêm 18.000 GPLX.
+ Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng lượng người đến thực hiện việc cấp đổi vẫn còn thấp. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Trước khi triển khai chuyển đổi GPLX theo mẫu mới, Sở GT-VT đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để nhân dân nắm được thời gian tiếp nhận hồ sơ, thủ tục chuyển đổi sang GPLX bằng thẻ nhựa. Thế nhưng, do công tác phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ, việc tuyên truyền mới chỉ được thực hiện thông qua các cơ quan báo chí, trang thông tin của ngành và các khóa đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị, ngành và địa phương chưa tổ chức tuyên truyền trong nội bộ đơn vị và địa phương mình.
Thứ nữa, nhiều người có GPLX nhưng chưa biết hoặc chưa hiểu rõ việc đổi và lộ trình cấp đổi GPLX mới mà Bộ GT-VT đưa ra, nhất là với những người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, không ít người dù biết nhưng lấy lý do đi công tác, làm ăn xa địa phương hoặc phải sử dụng thường xuyên GPLX nên chưa muốn đến cơ quan chức năng để thực hiện việc cấp đổi lại.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc khó hoàn thành cấp đổi đúng thời hạn là chế tài, hiện không quy định bắt buộc nên chưa có hướng xử lý nếu người dân không thực hiện chuyển đổi.
+ Vậy để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở GT-VT có mở thêm các điểm đổi GPLX về các địa phương để người dân giảm được thời gian đi lại?
- Trước khi khiển khai chương trình đổi GPLX, chúng tôi đã tính đến phương án đưa việc tiếp nhận hồ sơ về các huyện. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, rất khó trong việc quản lý hồ sơ nên chúng tôi quyết định tập trung về Sở. Hơn nữa, việc đổi GPLX chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định nên không thể tuyển thêm cán bộ chuyên trách cho việc này.
Thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân cấp đổi GPLX, Sở GT-VT đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, nhân sự kể cả việc làm thêm ngày thứ bảy. Vì vậy, trong trường hợp lượng người đến làm thủ tục cấp đổi GPLX tăng đột biến, Sở GT-VT vẫn đáp ứng kịp, không để tình trạng người dân cấp đổi GPLX phải đi lại nhiều lần. Chúng tôi cũng đã rút ngắn thời gian làm thủ tục. Cụ thể, việc nhận hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp chỉ mất 5-7 phút. Sở GT-VT đang rất nỗ lực rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể chuyển đổi GPLX.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về lộ trình đổi GPLX trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các địa phương, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe… Tuy nhiên, để việc cấp đổi GPLX hoàn thành đúng lộ trình, người dân và các lái xe cũng cần thay đổi nhận thức về việc chuyển đổi bởi điều này liên quan trực tiếp đến gắn lợi ích của người sử dụng GPLX.
+ Thủ tục đổi GPLX cấp đổi GPLX ra sao, thưa ông? Và liệu người ở các địa phương khác có thể đến Bình Định đổi GPLX không?
- Khi có nhu cầu đổi GPLX, người dân cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau: đơn đề nghị đổi, cấp lại GPLX theo mẫu quy định; bản chính hồ sơ gốc phù hợp với GPLX (nếu bị mất hồ sơ gốc thì phải khai báo trong đơn để được lập lại hồ sơ); giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; bản sao GPLX kèm bản chính để đối chiếu; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn kèm bản chính để đối chiếu. Khi đến nộp hồ sơ cấp đổi GPLX, người lái xe được chụp ảnh trực tiếp miễn phí. Thời hạn giải quyết một trường hợp đổi GPLX trong vòng 5 ngày làm việc (không tính thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ).
Người dân ở các địa phương khác đều có thể cấp đổi GPLX tại Sở GT-VT. Sau khi Sở GT-VT làm thủ tục xác minh, họ sẽ được đổi GPLX theo thời gian quy định. Lệ phí đổi là 135 ngàn đồng/GPLX.
+ Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)