Xây dựng thiết chế thể thao theo chuẩn văn hóa nông thôn mới: Tìm đâu ra đất?
Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT & DL, đã có 49/126 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nhưng chỉ mới 11 xã được công nhận danh hiệu này. Trong các xã còn lại, nhiều xã chưa đạt chuẩn vì chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Bộ VH-TT & DL về xây dựng thiết chế thể thao cơ sở.
Nhiều địa phương đăng kí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nhưng chưa có khu thể thao thôn đạt chuẩn.
- Trong ảnh: Một sân bóng chuyền ở thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
1. Huyện Hoài Nhơn có đến 7 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đều đã và đang xây dựng các thiết chế thể thao cơ sở. Tiêu biểu là xã Hoài Hương có tất cả 11 thôn xây dựng được khu thể thao, hiện đang xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn theo quy định. Để có được kết quả này, UBND xã Hoài Hương đã có sự hỗ trợ hợp lí và giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thôn trong việc nâng cấp, xây dựng khu thể thao thôn. Từ đó, mỗi thôn chủ động kế hoạch xây dựng, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp.
Ông Lê Văn Sơn, người dân thôn Thiện Đức Đông, xã Hoài Hương, tâm sự: “Người dân trong thôn đều đồng tình ủng hộ xây nhà văn hóa và khu thể thao thôn vì phục vụ thiết thực cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí, rèn luyện sức khỏe của chính mình. Từ khi có khu thể thao bài bản, các hoạt động luyện tập, thi đấu thể thao của nhân dân cũng sôi nổi hơn…”.
Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) huyện Hoài Nhơn cũng đã đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 50% Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 50% Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT & DL. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VHTT huyện, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Để thực hiện được chỉ tiêu đặt ra, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thành công tác quy hoạch, dành quỹ đất cho các thiết chế thể thao, văn hóa. Ban chỉ đạo phong trào đã kiến nghị huyện ủy, HĐND, UBND quan tâm xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao theo lộ trình xây dựng nông thôn mới”.
Huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn có 4 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thì ở cả 4 xã này, lãnh đạo xã đều cho rằng, đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới rất khó. Xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn là một điển hình. Xã này có 7/7 thôn được đầu tư xây dựng mới, hoặc sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Theo ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, xã đã xây dựng sân vận động với khán đài, tường rào và cổng ngõ khang trang theo tiêu chuẩn của xã nông thôn mới. Công trình nhà văn hóa đa năng của xã cũng được xây dựng với tổng kinh phí 4,493 tỉ đồng, bên trong có sân cầu lông, bóng chuyền đạt chuẩn theo quy định để đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao của người dân. Kể ra những chuyện này giờ thì rất trơn tru nhưng khi làm thì cứ như thấy một núi việc lừng lững trước mặt.
2. Toàn tỉnh hiện vẫn còn đến 38 xã đã đăng kí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nhưng chưa được công nhận danh hiệu. Hầu hết các xã này đều đang “vướng” khó khăn về diện tích đất quy hoạch xây dựng khu thể thao thôn đạt chuẩn quá cao, gây nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, kinh phí xây dựng.
Theo Thông tư 06/2011 của Bộ VH-TT&DL Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, thì khu thể thao thôn phải ở vị trí trung tâm, đối với vùng đồng bằng có diện tích đất quy hoạch từ 2.000 m2 trở lên, trong đó quy mô xây dựng sân tập thể thao đơn giản là từ 250 m2 trở lên; miền núi có diện tích đất quy hoạch 1.500 m2 trở lên, quy mô sân tập thể thao đơn giản từ 200 m2 trở lên.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VHTT huyện An Lão, cho biết: “Có 5 xã trên địa bàn huyện đã đăng kí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nhưng đến nay chưa đạt vì chưa có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, trên 50% làng, thôn chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT & DL. Chưa nói đến vấn đề kinh phí, chỉ riêng việc đáp ứng yêu cầu về mặt bằng diện tích đất quy hoạch, xây dựng thiết chế thể thao đã là rất khó…”. Cũng do chưa đáp ứng được về thiết chế thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT & DL, tất cả 14 xã của huyện Tây Sơn đăng kí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nhưng mới chỉ có 2 xã Bình Nghi, Tây Xuân được công nhận.
Cuối tháng 5.2014, Bộ VH-TT & DL đã có Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều chưa phù hợp trong các Thông tư trước đó về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã, Nhà văn hóa- Khu thể thao thôn. Theo đó, diện tích đất quy hoạch khu thể thao thôn đã được điều chỉnh giảm xuống còn từ 500 m2 trở lên đối với vùng đồng bằng, 300 m2 trở lên đối với miền núi. Ngoài ra, còn quy định thêm đối với vùng núi cao, hải đảo và thôn ở xã đặc biệt khó khăn, thì diện tích đất quy hoạch chỉ từ 200 m2 trở lên. Thông tư 05 cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện khi quy định các công trình thể thao có thể ở nhiều vị trí trên địa bàn thôn. Từ ngày 15.7.2014, Thông tư 05 đã chính thức có hiệu lực. Vì vậy, các địa phương đã đăng kí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới cần nỗ lực, quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh việc quy hoạch, vận động kinh phí xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao có quy mô phù hợp, để không chỉ đạt được danh hiệu, mà còn đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.
HOÀI THU