Điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2014: Đề cao tính chính xác, dân chủ, công khai và minh bạch
“Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo 2014 tiếp tục đề cao việc đảm bảo đúng quy trình, trung thực khách quan. Nhiều chính sách mới sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, động viên tinh thần tự vươn lên của hộ cận nghèo”- ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định trong trao đổi mới đây với PV Báo Bình Định.
● Trước và sau mỗi đợt điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, dư luận vẫn quan ngại về tính khách quan, trung thực của kết quả điều tra. Quan điểm của ông về vấn đề này và công tác triển khai của ngành như thế nào?
- Trong quá trình thực hiện điều tra, chúng tôi luôn nhắc nhở các điều tra viên ở thôn, làng, khu vực phải đánh giá khách quan tình hình đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đời sống khó khăn; tránh áp đặt quan điểm cá nhân để gán ghép vào các hộ được điều tra, rà soát. Việc sử dụng bảng, biểu công cụ điều tra phải chính xác; trong đó, lưu ý phiếu điều tra thu nhập hộ gia đình (phiếu B) cần có sự hợp tác của hộ được điều tra. Kết quả điều tra thu nhập phải phản ánh đúng thực tế khách quan đời sống của hộ trong một năm qua; từ đó, làm cơ sở đưa ra bình xét ở thôn, làng, khu vực.
Bên cạnh đó, trước mỗi cuộc điều tra, công tác thông tin, tuyên truyền phải được thực hiện rộng rãi trong các khu dân cư, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc điều tra, rà soát. Từ đó, người dân sẽ cùng tham gia vào việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tại địa bàn của mình thông qua hoạt động bình xét ở địa phương.
Kết quả bình xét phải được niêm yết công khai tại trụ sở xã, thôn, khu vực (thời gian trong 7 ngày). Mục đích của việc niêm yết này không chỉ công khai kết quả mà qua đó để cấp xã nhận được các thông tin phản hồi từ người dân, từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và hộ không nghèo. Trong trường hợp không đồng ý hoặc có đơn khiếu nại kết quả, Ban Chỉ đạo cấp xã phải tổ chức phúc tra kết quả điều tra và thông báo rõ kết quả phúc tra đó cho các đối tượng có liên quan.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, chúng tôi còn cử Tổ giám sát của Sở LĐ-TB&XH về phối hợp với Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát cấp huyện đi kiểm tra, phúc tra và nắm tình hình tại cơ sở. Qua đó, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ cho địa phương khi gặp khó khăn.
Với trách nhiệm của từng cấp, ngành và sự tham gia vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở, tôi tin tưởng rằng kết quả điều tra sẽ phản ánh khách quan, trung thực đời sống của nhân dân; trong đó, có một bộ phận đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
● Không loại trừ trường hợp các địa phương do chịu áp lực trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu nên kết quả báo cáo về chưa sát thực tế. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới với 19 chỉ tiêu đặt ra, trong đó có tiêu chí về giảm hộ nghèo. Mục tiêu giảm nghèo này là nhằm mục đích để các cấp xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện những chính sách giảm nghèo. Vì thế, trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững, chúng tôi luôn nhắc nhở các địa phương cần tổ chức phân loại hộ nghèo trên địa bàn, xây dựng giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo trên cơ sở các chính sách giảm nghèo hiện hành và nhu cầu của hộ nghèo.
Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, nhất là các chính sách hỗ trợ về sinh kế như tín dụng, dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất khuyến nông, ngư, lâm… Qua đó, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo, từ đó có cơ hội thoát nghèo bền vững, giúp địa phương thoát khỏi áp lực.
● Điểm mới trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo năm nay, thưa ông?
- Trước hết là về thời điểm tổ chức điều tra tính thu nhập hộ gia đình. Khác với các năm trước, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo thực hiện từ ngày 1.10 hằng năm, năm nay, thời điểm tổ chức điều tra bắt đầu từ 1.9. Ngoài ra, trường hợp hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất trong năm do tai nạn, rủi ro thiên tai, bệnh tật... đều có thể xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (trước đây, chỉ rà soát thống kê một lần trong năm, không rà soát, bổ sung trong năm).
Mặt khác, Sở còn tổ chức điều tra hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
● Thưa ông, thời gian đến có thêm chính sách nào để động viên tinh thần tự vươn lên của người nghèo, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững?
- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28.8.2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan thường trực là Sở Xây dựng tiến hành rà soát danh sách hộ nghèo được hỗ trợ, làm cơ sở xây dựng Đề án trình UBND tỉnh, Bộ Xây dựng phê duyệt và tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2016.
Từ ngày 1.1.2015 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 sẽ có hiệu lực. Trong đó có thêm quy định nâng mức hưởng bảo hiểm y tế khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh của hộ cận nghèo từ 80% lên 95%. Sau khi nỗ lực thoát nghèo, hộ cận nghèo vẫn được hỗ trợ cao trong tiếp cận dịch vụ y tế.
● Xin cảm ơn ông!
Theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH, chậm nhất đến ngày 15.11.2014 UBND cấp xã báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập trung bình năm 2014 về cho UBND cấp huyện. Đến ngày 25.11.2014 Sở LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp kết quả từ cấp huyện gửi lên. Đầu tháng 12.2014 Sở sẽ báo cáo kết quả cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)