Bắt chình giống ở đập Định Bình
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về cũng là lúc nhiều người dân ở Vĩnh Thạnh ra sông bắt cá chình giống. Có người kiếm được bạc triệu mỗi đêm từ việc bắt cá chình giống.
Thời điểm này, công trình thủy lợi Định Bình cắt nước để bảo dưỡng định kỳ, đây là dịp để những người làm nghề khai thác cá chình giống đi bắt cá chình con. Bởi chỉ sau vài giờ khi cửa đập được ngăn lại, cá chình con sẽ tìm cách vượt “vũ môn”.
Khoảng 5 giờ chiều, anh Nguyễn Quốc Việt, ở thôn Định Nhất (xã Vĩnh Hảo) kiểm tra lại lần cuối các dụng cụ để chuẩn bị cho một đêm bắt cá chình giống. Dụng cụ bắt cá chình con khá đơn giản với một chiếc sõng nan để bơi vào chân đập; một chiếc đèn pin; một tấm lưới mùng dài khoảng 2 m, rộng gần 1 m, hai bên gắn hai thanh gỗ hoặc tre dùng để xúc, viền dưới của tấm lưới gắn chì hoặc một sợi dây xích dài, đủ nặng để giữ cho tấm lưới được căng; 2 cuộn dây nhựa để làm bẫy cho cá chình con chui vào và một cái xô nhựa để đựng cá chình.
Anh Việt cho biết, riêng thôn Định Nhất có khoảng chục người làm nghề khai thác cá chình giống, nhưng thường xuyên nhất là 5 anh em trong gia đình anh. Theo anh Việt, nghề bắt cá chình giống rất đơn giản, dễ làm nên ai cũng có thể tham gia. Riêng anh Việt đã có thâm niên gần chục năm làm nghề vớt cá chình giống kể từ khi có đập thủy lợi Định Bình. “Nghề này không đòi hỏi bí quyết gì nhiều, chỉ cần kiên nhẫn, chịu được lạnh, thức đêm giỏi”, anh Việt chia sẻ.
Khi đập thủy lợi Định Bình được xây dựng, vào một đêm đi bắt cá ở bờ tràn dưới chân đập, anh Việt tình cờ phát hiện ra cá chình con đang vượt bờ tràn. Theo dõi nhiều lần anh Việt phát hiện ra khi có nước lũ về, cá chình con tập trung rất nhiều phía hạ lưu đập Định Bình. Nhất là khi các cửa xả của hồ được chặn lại là lúc cá chình tìm cách vượt lên.
Khoảng sáu giờ rưỡi chiều, mấy anh em nhà anh Việt có mặt ở chân đập Định Bình. Bảy giờ tối, cá chình con bắt đầu “vượt dốc”. Trên tường bờ đập thẳng đứng còn ướt nước, đã có mấy con cá chình con bằng đầu đũa ngo ngoe leo lên. Anh Việt ra hiệu cho đứa em trai cập xuồng sát mép cửa đập, chiếc vợt lưới được căng ra chờ sẵn, lúc này đã có vài chục con cá chình con leo lên sát đỉnh cửa đập. Cuộc vây bắt cá chình giống bắt đầu.
Anh Việt ra hiệu cho mấy anh em, 3 chiếc đèn pin được bật lên cùng lúc quét loang loáng nơi đỉnh cửa đập, những con cá chình con giật mình bởi mấy luồng ánh sáng đột ngột buông mình rơi vào chiếc vợt lưới đang giăng sẵn bên dưới. Anh Việt ước tính có khoảng 200 con cá chình giống trong mẻ đầu tiên.
Khoảng 10 giờ đêm, anh Việt lôi từ trong bao ra 2 cuộn dây nhựa, cuộn dây nhựa được quấn thành nùi để làm bẫy nhử. Theo anh Việt thì lúc này cá chình con đã mệt nên dùng nùi dây nhựa làm bẫy nhử rất hiệu quả. Hai chiếc nùi dây nhựa được treo lên sát mép cửa đập, nơi có lượng chình con leo lên nhiều nhất. Những chú chình con vượt tường leo đến đấy đã ngoan ngoãn chui vào chiếc bẫy để nghỉ ngơi. Sau khoảng 1 giờ, đợi cho có nhiều chình con chui vào, anh Việt chỉ cần đem cuộn dây nhựa vào chiếc vợt lưới lớn để giũ chình con ra. Có mẻ nhiều lên đến hơn 500 con, tức khoảng trên dưới 1 kg. Anh Việt cho biết, dù năm nay đập Định Bình chỉ đóng cửa khoảng 3 lần nhưng mấy anh em nhà anh đã bắt được khoảng trên 50 kg chình giống, đêm bắt nhiều nhất được chừng 4 kg.
Hiện nay, nhiều vùng nuôi thủy sản có nhu cầu rất lớn về cá chình giống. Cá chình con bắt về có người đến mua liền. Giá cá chình hiện tại khoảng 2 triệu đồng/kg, mỗi đêm nếu “trúng” gia đình anh Việt cũng kiếm được từ 6 đến 8 triệu đồng.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện trăn trở: Trữ lượng cá chình giống ở Vĩnh Thạnh khá lớn nhưng việc khai thác còn khó khăn, bởi việc khai thác cá chình giống phụ thuộc nhiều vào việc vận hành hồ chứa, người dân chỉ khai thác được cá chình con mỗi khi người ta đóng cửa đập nên thời gian thu hoạch cá chình con rất ngắn. Huyện cũng đã làm việc với cơ quan chức năng để nghiên cứu và tìm ra giải pháp khai thác cá chình giống một cách hiệu quả nhất, giúp cho người dân có thêm thu nhập.
Bài, ảnh: XUÂN DŨNG