Hoạt động khuyến công: Tích cực hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn
Những năm qua, công tác khuyến công (KC) đã hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần để CNNT ngày càng phát triển.
Nhờ CTKC, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty GMT đã đạt được những kết quả khả quan.
- Trong ảnh: Một góc cơ sở sản xuất gạch không nung của GMT. Ảnh: Viết Hiền
“Bà đỡ” của các cơ sở CNNT
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, từ năm 2011 đến nay, Sở Tài chính đã dành một phần kinh phí đáng kể cho CTKC địa phương. Trong đó, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Sở Công Thương các năm như sau: 2011 là gần 930 triệu đồng; năm 2012 gần 1,2 tỉ đồng; năm 2013 gần 1,3 tỉ đồng; 10 tháng đầu năm 2014 gần 2 tỉ đồng.
Bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác KC đã được các sở, ngành chức năng của tỉnh nghiêm túc thực hiện. Đối với Trung tâm KC-Tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) thuộc Sở Công Thương, trong giai đoạn 2011 - 2013 tổng kinh phí CTKC quốc gia và CTKC địa phương đã thực hiện trên địa bàn tỉnh là trên 4,33 tỉ đồng. Trong đó, chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề được hỗ trợ gần 2,1 tỉ đồng; chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật là 861 triệu đồng; chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu gần 229 triệu đồng. Riêng năm 2014, tổng kinh phí CTKC (quốc gia và địa phương) là 3,7 tỉ đồng.
Điều đáng ghi nhận là các CTKC triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, nhất là khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiêu biểu trong số các cơ sở, DN được hỗ trợ có hiệu quả từ CTKC là Công ty TNHH SX-TM GMT. Theo ông Phạm Hùng, Giám đốc Công ty GMT, được UBND thị xã An Nhơn và Trung tâm KC-TVPTCN tỉnh quan tâm, ông được thuê một khu đất rộng trên 27.000 m2 thuộc địa bàn xã Nhơn Tân (An Nhơn) và được hỗ trợ 250 triệu đồng. Nhờ vậy, cơ sở sản xuất gạch xi măng- cốt liệu không nung của Công ty GMT đã hoạt động ổn định, vừa đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính từ năm 2011 đến nay, các CTKC trên địa bàn tỉnh đã góp phần gia tăng các cơ sở CNNT (hiện có 22.872 cơ sở, tăng 7% so với năm 2010); giải quyết việc làm cho khoảng 127.216 lao động (tăng 9%), riêng lao động ở các làng nghề có khoảng 16.700 người (tăng 8%).
Tăng tính hiệu quả từ CTKC
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động KC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo bà Trần Ánh Tuyết, một số CTKC tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch; việc xây dựng nội dung kế hoạch KC hàng năm của các địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn; thông tư hướng dẫn thực hiện CTKC chậm ban hành, nội dung và mức hỗ trợ chưa thật hấp dẫn nên một số cơ sở CNNT chưa mạnh dạn tham gia CTKC.
Một số địa phương, đơn vị, DN cũng cho rằng hoạt động KC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, như: Quyết định phê duyệt các Đề án CTKC của tỉnh ban hành quá muộn nên địa phương gặp khó khăn trong thực hiện và không điều chỉnh được kinh phí đối ứng; hồ sơ thủ tục xây dựng kế hoạch, đăng ký thực hiện các đề án CTKC còn rườm rà, phức tạp; nguồn kinh phí hoạt động KC được cấp cho từng đề tài còn thấp, chưa thực sự là động lực để các cơ sở CNNT quan tâm; cán bộ phụ trách công tác KC ở địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa xây dựng được mạng lưới KC, cộng tác viên cấp xã, phường, dẫn đến việc triển khai thực hiện CTKC ở nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn nhận những tồn tại, khó khăn của công tác KC, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả các CTKC trên địa bàn. Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch KC hàng năm đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Tăng cường hướng dẫn kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác KC. Đồng thời, Sở sẽ nghiên cứu những giải pháp huy động bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh các CTKC, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, DN lớn; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác KC tại các địa phương.
Ngoài ra, Sở Công Thương kiến nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách KC trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho UBND các cấp căn cứ triển khai thực hiện, nhằm thúc đẩy CNNT phát triển bền vững; đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương thành lập Quỹ KC từ nguồn ngân sách tỉnh, đồng thời phân cấp cho phép phê duyệt thực hiện các chương trình, đề án KC có vốn hỗ trợ không quá 500 triệu đồng, nhằm chủ động triển khai chương trình, đề án KC đảm bảo tiến độ; sớm phê duyệt Quy chế quản lý kinh phí KC địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.
VIẾT HIỀN