Tàu nghiên cứu biển Nga khảo sát Trường Sa
Chuyến khảo sát nhằm điều tra toàn diện về đa dạng sinh học, sinh hóa của Biển Đông.
Tàu nghiên cứu biển lưu động mang tên “Viện sĩ Oparin”, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, vừa rời thành phố Nha Trang để bắt đầu chuyến nghiên cứu, khảo sát vùng biển nước ta, trong đó đặc biệt chú ý vùng biển huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Tàu Viện sĩ Oparin (Ảnh: Tuoitre)
Chuyến nghiên cứu này, trên tàu “Viện sĩ Oparin” có 22 nhà khoa học Liên bang Nga và 12 nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tham gia nghiên cứu biển tại Việt Nam trong thời gian gần 2 tháng.
Tàu “Viện sĩ Oparin” hạ thủy năm 1985, dài hơn 75m, rộng gần 15m, được thiết kế riêng cho việc nghiên cứu khoa học về đại dương, giống như một viện thí nghiệm lưu động trên biển.
Đây là lần thứ 4, tàu “Viện sĩ Oparin” cùng các nhà khoa học Nga khảo sát, nghiên cứu chung với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam về biển và đại dương tại Việt Nam, nhằm điều tra toàn diện về đa dạng sinh học, sinh hóa của Biển Đông; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
GS.TS. Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Mục đích chuyến đi là khảo sát vùng biển Việt Nam, trong đó có vấn đề đa dạng sinh học, vi sinh, tìm kiếm các dược liệu quý báu của biển. Lần này, số cán bộ khoa học Việt Nam tham gia đông, có sự chuẩn bị kỹ càng. Việc mở rộng phạm vi nghiên cứu rất quan trọng, bởi vì trước đây chúng ta chỉ tập trung ở vùng gần bờ, nay đi vùng xa hơn để đánh giá được tiềm năng đa dạng sinh học của Việt Nam”.
. Theo VOV