Đà Nẵng “vượt rào”đưa người nghiện đi cai
Không thể ngồi chờ đợi hướng dẫn của trung ương, Đà Nẵng buộc phải “vượt rào” và mạnh dạn đưa ra quy định riêng rút gọn các thủ tục, thời gian để sớm đưa người nghiện ma túy đi cai.
Đứng trước nguy cơ mục tiêu “5 không” (không có người nghiện ma túy tại cộng đồng) bị phá sản vì vướng phải rào cản hết sức phức tạp của nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định 28 với nhiều điểm riêng.
Bệnh nhân uống thuốc điều trị tại trung tâm cai nghiện ma túy TP.HCM - Ảnh: T.Long
Nghịch lý
Đại tá Lê Văn Tam, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết trong khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 828 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy thì chỉ có 77 người đưa đi cai nghiện bắt buộc, 76 người giáo dục tại xã, phường.
Trong khi đó, số người nghiện nộp phạt tiền và giao cho gia đình bảo lãnh về giáo dục lên đến 549 người.
Theo đại tá Tam, so với cùng kỳ năm 2013, số người nghiện bị xử lý giảm 295 trường hợp và số đưa vào cai nghiện tập trung giảm 338 trường hợp.
Vướng mắc lớn khiến việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung giảm mạnh là do quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tuy đã có hiệu lực nhưng chậm có thông tư hướng dẫn cụ thể.
“Việc chỉ xử phạt hành chính (phạt tiền) và giao cho gia đình bảo lãnh giáo dục đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin người nghiện ma túy cho cơ quan chức năng. Nếu có phát hiện thì lực lượng chức năng cũng thả về do không đưa ngay vào Trung tâm 05-06 vì vướng quy định mới” - đại tá Tam nói.
Từ 72 ngày còn... 7 ngày
Ông Lê Minh Hùng, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, cho biết theo nghị định số 221 của Chính phủ, muốn đưa người nghiện vào trại cai nghiện tập trung phải qua nhiều quy trình và các khâu thủ tục.
Ví dụ nghị định quy định tất cả người mới nghiện đều trải qua cai nghiện tại cộng đồng, sau khi cai nghiện tại cộng đồng không thành công mới đưa vào trại tập trung.
Nghị định quy định chủ tịch xã, phường ra quyết định đối với người nghiện.
Nếu có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý trong khi chờ tòa án quyết định. Nếu không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý trong khi chờ quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong thực tế tổ chức xã hội ở cấp xã phường không có vì theo quy định, tổ chức này phải có ba phòng kiên cố.
“Hiểu đúng ra phòng này không thẩm lậu ma túy, không dẫn đến tử vong, không ảnh hưởng sinh mạng bác sĩ và các bệnh nhân xung quanh. Nhân lực phải có bốn người: một bác sĩ, một y sĩ, một điều dưỡng, một bảo vệ, tất cả làm việc không có lương và phụ cấp. Đây là điều phi thực tế vì không có tổ chức nào ở cấp xã phường đáp ứng được điều này.
Trong khi đó, đối tượng ma túy chủ yếu là đối tượng không có nơi cư trú ổn định nên chắc chắn việc này rất phức tạp. Trên tinh thần đó, quyết định 28 về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng ra đời nhằm tháo gỡ những khó khăn.
Hiện nay toàn TP đã có sáu hồ sơ trình tòa án, trong đó tòa án đã ra quyết định đưa hai đối tượng đi cai” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết theo nghị định 221, việc xác định đối tượng nghiện cũng rất khó, nhưng nếu không xác định được nghiện thì không lập được hồ sơ. Điểm mới của quyết định 28 của TP Đà Nẵng quy định đối tượng nghiện là người đã có hồ sơ quản lý vấn đề nghiện dưới bốn năm và nay phát hiện dương tính với ma túy.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang rà soát thủ tục để thành lập một tổ chức quản lý đối tượng nghiện không có nơi cư trú. Đây là một tổ chức chịu trách nhiệm quản lý tất cả đối tượng nghiện không có nơi cư trú trên toàn TP với cơ sở vật chất và nhân lực đúng chuyên môn.
“Theo quy định nhà nước, hồ sơ đối tượng cai nghiện đi qua từng nấc: cơ quan tư pháp, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng y tế, công an. Việc này khi áp dụng sẽ lâu và khó vì chỉ cần một mắt xích không đồng ý là hồ sơ dừng lại, mỗi người mỗi kiểu.
Theo quyết định 28 thì thành lập hội đồng do bốn “ông này” ngồi lại để thống nhất trước khi trình tòa” - ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, hiện nay muốn đưa một đối tượng vào trại cai nghiện thì cần 13-17 loại giấy tờ theo mẫu, rườm rà và trái với tinh thần cải cách hành chính.
Thời gian từ khi bắt được một đối tượng nghiện ma túy đến khi đưa vào trại tập trung theo nghị định 221 có quy trình 37-72 ngày so với trước đây là 15 ngày. Thời gian này là quá dài và việc quản lý người nghiện rất phức tạp. Quyết định 28 của TP từ khi thành lập hồ sơ đến khi trình tòa chỉ bảy ngày.
Bí thư chịu trách nhiệm nếu bị phê bình
Ông Trần Thọ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng mục tiêu cao nhất của việc đưa ra quyết định trên cùng với hàng loạt giải pháp là để “bảo vệ bình yên cuộc sống người dân.”
Trong khi chờ hướng dẫn của trung ương, Đà Nẵng buộc phải ra quy định tạm thời có ý nghĩa hết sức kịp thời để kéo giảm tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng, nghiện ma túy.
“Cứ nói TP đáng sống mà ma túy gia tăng, người nghiện gia tăng thì sao sống bình yên được, ai mà dám tới du lịch.
Vì vậy, từ nay phải xử hết khung hình phạt đối với người buôn bán ma túy, không được xử án tù treo.
Ngoài ra, trong khi chờ trung ương hướng dẫn, UBND TP phải vận dụng để kịp thời đưa người nghiện đi cai. Nếu sau này có gì vướng, trung ương “thổi còi” hay phê bình tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm” - ông Thọ cho biết.
Cùng với hàng loạt giải pháp, quy định mới mẻ có tính “vượt rào” nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục, ông Trần Thọ cũng ký ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP.
Theo HỮU KHÁ - PHAN THÀNH - TRƯỜNG TRUNG (TTO)