Rối loạn giấc ngủ - nguyên nhân và cách phòng ngừa
Mất ngủ là trạng thái không thỏa mãn về số lượng và chất lượng giấc ngủ, tồn tại trong một thời gian dài, chia thành hai loại chính: mất ngủ nguyên phát và mất ngủ triệu chứng. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trong năm 2013 có khoảng 1.445 người mất ngủ mãn tính trong tổng số 26.583 người đến khám, chiếm tỉ lệ 5,5%.
Rối loạn giấc ngủ có biểu hiện như thời lượng giấc ngủ giảm, nhiều bệnh nhân chỉ ngủ được 3-4 giờ/ngày, thậm chí có người thức trắng đêm. Sự khó khăn đi vào giấc ngủ, không thấy cảm giác buồn ngủ, trằn trọc, căng thẳng, lo âu... hay tỉnh giấc vào ban đêm, giấc ngủ bị chia cắt, chập chờn, không ngon giấc, khi đã tỉnh dậy thì rất khó ngủ lại. Đa số bệnh nhân phàn nàn ngủ ít quá, tỉnh dậy sớm quá. Các bệnh nhân có thói quen nằm lại trên giường để xem có thể ngủ lại được không, vì vậy nhiều khi họ rời khỏi giường rất muộn.
Các rối loạn tâm thần kèm theo mất ngủ mãn tính như bệnh nhân thấy khó tập trung, chú ý và có các vấn đề về trí nhớ. Có rối loạn ít nhiều về tâm thần ở phần lớn các trường hợp như: trầm cảm nhẹ, lo âu kéo dài, ức chế cảm xúc và không có khả năng chế ngự được sự bực tức. Sự lo âu cũng có thể xảy ra vào ban ngày nhưng thường tập trung vào buổi tối, nhất là lúc chuẩn bị đi ngủ.
Mất ngủ thường xảy ra sau một sang chấn tâm lí hoặc một loạt những sự kiện bất lợi trong cuộc sống. Người ta còn thấy một số trường hợp mất ngủ mạn tính ngay từ nhỏ và một số trường hợp hiếm gặp mất ngủ do giấc ngủ xấu. Bên cạnh đó, mất ngủ còn do sự thay đổi chỗ ngủ, thay đổi môi trường sống; khó khăn về kinh tế, bất lợi về mặt xã hội cũng là những yếu tố làm tăng mất ngủ.
Điều trị rối loạn giấc ngủ cần vệ sinh tâm lý giấc ngủ. Tạo thói quen thức - ngủ đúng giờ. Nếu đi ngủ mà giấc ngủ không đến, ra khỏi giường làm việc gì đó, đến khi nào buồn ngủ mới quay trở lại giường. Tránh thời gian nằm thụ động ở trên giường (nằm mà không ngủ), nhất là vào ban ngày. Tránh dùng các chất kích thích và tránh căng thẳng về cảm xúc. Chế độ làm việc, hoạt động, giải trí, rèn luyện thân thể... phải hợp lý trong thời gian thức. Trước khi ngủ có thể xoa bóp, tắm nước ấm, tản bộ, nghe nhạc nhẹ... Các phương pháp thư giãn cũng rất cần thiết.
Để có giấc ngủ tốt cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động cơ thể hợp lý. Không ăn quá mức, uống nhiều nước hoặc nhiều bia rượu trước khi ngủ. Không uống cà phê, trà đặc trước khi ngủ. Vận động cơ thể thường nhẹ nhàng vào buổi tối trước khi ngủ là cần thiết. Phòng ngủ phải rộng rãi, ít tiếng ồn và ít người qua lại.
BS NGUYỄN THỊ ĐỊNH
(Bệnh viện Tâm thần tỉnh)