Đưa sản phẩm Bình Định vào siêu thị: Không dễ
Vài năm gần đây, sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất tại địa phương và các siêu thị - kênh phân phối bán lẻ hiện đại - đang mở ra cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho đôi bên. Đến nay, đã có một số sản phẩm Bình Định vào được và “bám rễ” ở các siêu thị.
Hiện nay, tại các siêu thị: Co.opMart Quy Nhơn, Vinatex, Metro, Big C… một số sản phẩm của Bình Định đã đến được với người tiêu dùng, như: nem chả Năm Thu, trứng gà Minh Hiếu, trà gừng, trà rong biển, trà Atiso của Công ty Tiến Phát, bún song thằn Ngọc Trâm, bún song thằn Hưng Đắt, nước mắm Bốn Phương, nước mắm Mười Thu, bánh tráng Song Thủy, các loại rau an toàn của HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và HTXNN Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn), hải sản khô Phụng Nga, Thúy Trinh…
Mở “kênh”
Bún song thằn Ngọc Trâm (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) xuất hiện ở Co.opMart Quy Nhơn từ tháng 6.2013. Đầu năm nay, đặc sản này cũng nhanh chân góp mặt trên kệ hàng của Big C. Ông Hồ Văn Rạng, chủ cơ sở bún song thằn Ngọc Trâm, cho biết: “Hàng bán trong các siêu thị tuy có chậm, nhưng tôi vẫn thích đưa sản phẩm vào đây, không chỉ vì có thêm một kênh tiêu thụ mà còn để quảng bá rộng hơn thương hiệu”.
Từ năm 2013 đến nay, HTXNN Phước Hiệp đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm của gần 20 hộ dân để đưa các loại rau, quả vào Co.opMart Quy Nhơn và Big C. Theo Chủ nhiệm HTX Phạm Long Thăng: Sản phẩm tiêu thụ ở hai siêu thị nói trên chiếm khoảng 70% lượng rau, quả của các hộ dân. Tính hết các khoản chi phí về quy trình trồng, sơ chế, vận chuyển, giá sản phẩm tiêu thụ ở các siêu thị “đội” hơn bên ngoài 4.000-4.500 đồng/kg. Nhưng đưa rau sạch vào siêu thị có nhiều cái lợi, đến được với nhiều tầng lớp người tiêu dùng, chứ ở chợ thì bán chỉ được 20-30kg/ngày. Hiện chúng tôi cung cấp khoảng 100kg rau, củ/ngày cho Big C và khoảng 200kg/ngày cho Co.opMart Quy Nhơn.
Tại các siêu thị, một số sản phẩm Bình Định bán chạy có thể kể đến như rau, quả, bánh tráng nước dừa, nước mắm, hải sản khô… Chị Nguyễn Thị Mỹ Nương, Tổ trưởng tổ thực phẩm tươi sống Co.opMart Quy Nhơn cho biết, các sản phẩm Bình Định đưa vào được ưu tiên gian hàng trưng bày riêng để thu hút khách hàng, nhưng phải đáp ứng không ít tiêu chí. Các mặt hàng thực phẩm phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm… Chưa nói đến kiểm tra của các cơ quan nhà nước mà các tiêu chí này được bộ phận kiểm định chất lượng nội bộ của siêu thị quản lý chặt.
Việc đưa sản phẩm địa phương vào các siêu thị không chỉ là hướng đi cần thiết của cơ sở sản xuất mà còn là nhu cầu của các siêu thị. Ông Nguyễn Danh Nhân, Phó Giám đốc Co.opMart Quy Nhơn, chia sẻ: “Chủ trương của hệ thống Co.opMart là ưu tiên khai thác nguồn hàng tại địa phương để hỗ trợ nông dân và có giá tốt nhất cho khách hàng. Với những sản phẩm chưa đủ điều kiện về thủ tục, chúng tôi trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn chủ cơ sở làm”.
Để hàng địa phương “bám rễ” ở siêu thị
Theo bà Hồ Thị Bích Vân, Giám đốc Big C Quy Nhơn: Hệ thống siêu thị Big C luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn những nhà cung cấp phù hợp với các quy định về quản lý nhà nước. Đối với các đơn vị sản xuất liên quan đến chế biến thực phẩm thì phải có giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hóa đơn đỏ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với đơn vị giết mổ, pha lóc thịt gia súc, gia cầm; giấy kiểm dịch giết mổ hằng ngày cho mỗi lô hàng thịt tươi sống. Ngoài ra, còn phải đảm bảo điều kiện vận chuyển của từng loại hàng như: phương tiện vận chuyển sạch; tuân thủ điều kiện nhiệt độ bảo quản của hàng hóa; hàng hóa đúng, đủ số lượng và khối lượng, phù hợp với các giấy tờ đi kèm; hàng hóa được đóng gói đúng quy cách và đạt chất lượng khi giao đến cửa hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số sản phẩm địa phương có khả năng vào siêu thị nhưng không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, thu gom, vận chuyển… “Cái khó là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, mua bán ở các chợ quen rồi. Nhiều khi vừa đề cập đến vấn đề làm thủ tục để đưa hàng vào siêu thị thì bà con thấy cực quá mà bỏ. Chẳng hạn như ở Tây Sơn và An Nhơn có loại bánh ít hấp khô, cho vào bọc nylon, vỏ làm bằng giấy giả lá chuối rất đẹp. Co.opMart muốn đưa sản phẩm này vào siêu thị, nhưng người sản xuất chỉ bỏ mối quen và bán ở chợ, không có giấy tờ gì cả, đến khi hướng dẫn làm các thủ tục thì họ bảo... rườm rà” - ông Nguyễn Danh Nhân chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số quy định nghiêm ngặt khác cũng làm người sản xuất nhỏ gác lại ý định đưa hàng vào siêu thị nếu không được hỗ trợ. Chi phí làm mỗi mẫu xét nghiệm gần 2 triệu đồng, khiến các cơ sở sản xuất mặt hàng thực phẩm tươi sống phải cân nhắc. Hay như câu chuyện về việc đưa rượu Bàu Đá vào Co.opMart thì buộc phải có dán tem. Kết quả là sản phẩm của mặt hàng nằm trong diện quản lý đặc biệt này bị “đội” lên đến 150%. Cuối cùng hai bên phải thỏa thuận ở mức giá giữa của sản phẩm đưa vào siêu thị và giá bán bên ngoài.
Để đưa được các mặt hàng đặc sản vào siêu thị, điều cốt yếu phụ thuộc ở chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cơ sở phải chủ động sản xuất, liên kết để sẵn sàng cung ứng khi hàng của mình được người tiêu dùng chấp nhận. Có như vậy, hàng hóa mới “bám rễ” sâu hơn ở siêu thị. Ông Phạm Long Thăng phân tích, từ năm 2013 đến nay, chưa có phản hồi nào về chất lượng sản phẩm rau sạch của Phước Hiệp không đảm bảo. HTX đã vận động bà con đa dạng hóa mặt hàng rau, quả từ 7-8 loại lên 28-30 loại để phục vụ khách hàng tốt hơn.
THU HIỀN