“Phủ sóng” nước sạch
Nhu cầu sử dụng nước sạch ở tỉnh Bình Định ngày càng tăng cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nước sạch càng trở nên cần thiết.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định làm tốt công tác cấp nước sạch cho vùng nông thôn nên người dân đều thỏa mãn...
Đi đúng hướng
Bình Định có 11 huyện, thị, TP với 159 xã, phường, thị trấn; trong đó có 126 xã, thị trấn với 950 thôn, làng thuộc vùng nông thôn, nơi sinh sống của gần 1.299.250 người (317.582 hộ), chiếm 83% dân số.
Nhân viên kiếm tra giếng nước sạch tại NM nước Nhơn Tân (TX An Nhơn)
Là tỉnh có điều kiện địa chất phức tạp, nguồn nước ngầm phân bổ không đều. Phía tây là đất gò đồi nên hạn chế nguồn nước ngầm, phía đông tiếp giáp với 134 km bờ biển nên nhiều địa phương bị nước mặn xâm thực, không thể đào giếng, thiếu nước sinh hoạt là nỗi bức xúc truyền đời của cư dân ở những vùng đất này.
Bình Định lại là tỉnh nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường. Căng thẳng nhất về nước sinh hoạt ở Bình Định là các xã khu đông huyện Tuy Phước và các xã đông nam huyện Phù Cát. Tuy nhiên, nhờ nhiều công trình cấp nước sạch được xây dựng kịp thời nên “nỗi bức xúc truyền đời” nói trên giờ đã không còn.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, GĐ Trung tâm Nước sạch - VSMTNT Bình Định, trong những năm gần đây, số lượng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn Bình Định ngày càng tăng cao.
Các công trình được xây dựng từ các nguồn vốn: Chương trình MTQG Nước sạch - VSMTNT; vốn vay của ngân hàng phát triển châu Á (ADB); nguồn từ các chương trình 30a, chương trình 134,135; nguồn tài trợ của Vương quốc Bỉ; vốn tín dụng, tư nhân, các tổ chức phi chính phủ...và nhân dân đóng góp.
Tính đến nay, Bình Định đã xây dựng được 136 công trình cấp nước tập trung, trong đó, cấp bằng trọng lực 100 công trình và động lực 36 công trình. Theo thiết kế, 136 công trình nói trên có tổng công suất gần 45.000 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho gần 404.000 người dân nông thôn.
Các địa phương trước đây từng “khát” nước sạch nay đã được cung cấp đầy đủ như: Vân Canh 18 công trình, Vĩnh Thạnh 17 công trình, An Lão 49 công trình, Hoài Ân 16 công trình, Tây Sơn 5 công trình...
Chỉ trong thời gian ngắn mà Bình Định thực hiện được một khối lượng công việc lớn về cấp nước sạch cho các vùng nông thôn là nhờ triển khai dự án đúng hướng.
Ông Nguyễn Văn Tánh cho biết: “Chúng tôi không làm dàn trải mà đầu tư đúng trọng tâm, trong đó tập trung xử lý ở các xã khu đông của huyện Tuy Phước gồm Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và các xã đông nam huyện Phù Cát gồm Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Chánh.
Đây là những vùng đất thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đến nay 100% người dân ở các vùng này đã được cấp nước sinh hoạt. Tiếp đến là xóm Cồn Chim ở xã Phước Sơn. Với đường ống phi 900, dài vượt đầm Thị Nại 600 m, hiện nay 1.200 người dân ở đây đã thỏa cơn khát từ bao đời”.
Hiệu quả thiết thực
Người dân các vùng sâu, vùng xa ở Bình Định có nước sạch để sinh hoạt vui mừng đã đành, dân cư ở những vùng đất có mạch nước ngầm bị nhiễm fluorua được dùng nước sạch mới càng vui hơn.
Trong 2 năm (2007, 2008), Trung tâm Nước sạch - VSMTNT Bình Định tập trung “đánh mạnh” vào 2 xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) và Bình Tường (Tây Sơn). Ở xã Bình Tường (Tây Sơn) có thôn Hòa Hội và xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) có thôn Nam Tượng 1, 100% hộ dân của 2 thôn nói trên suốt nhiều năm phải “chung sống” với nguồn nước nhiễm fluorua nghiêm trọng.
Do dùng nước ô nhiễm nên người dân ở đây phải cam chịu buồn tủi vì bị bệnh “răng đen”. Bây giờ, chuyện ấy đã trở thành “chuyện ngày xưa”, vì sau khi được dùng nước sạch, người dân những thế hệ sau ở 2 thôn Nam Tượng 1 (Nhơn Tân) và Hòa Hội (Bình Tường) đã có thể cười tươi vì thoát được bệnh đen răng.
Nhà máy nước sạch xã Bình Tường khởi công xây dựng vào năm 2008, năm 2009 đưa vào sử dụng từ nguồn vốn chương trình MTQG Nước sạch - VSMTNT với vốn đầu tư hơn 8,8 tỷ đồng. Công trình này cấp nước sinh hoạt tự chảy cho 12.940 nhân khẩu ở 2 xã Vĩnh An và Bình Tường (Tây Sơn), công suất 1.220 m3/ngày, bình quân 60 lít nước/người/ngày.
Công trình này lấy nước trực tiếp từ nguồn nước mặt qua hệ thống lọc thô trên thượng nguồn suối Nước Gộp (xã Vĩnh An), dẫn về khu xử lý qua hệ thống lọc, khử trùng rồi vào bể chứa.
Đến cuối năm 2012, từ nguồn vốn chống hạn, Bình Định đầu tư thêm 850 triệu đồng nâng nguồn nước cấp lên 2.500 m3/ngày. Hiện có khoảng 2.660 hộ dân sử dụng khoảng 1.500 m3/ngày.
“Do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn ngày càng tăng cao, nên chúng tôi đang xây dựng đề án thành lập trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn trực thuộc Trung tâm Nước sạch - VSMTNT tỉnh. Khi đề án này được thông qua, chắc chắn vấn đề đưa nước sạch về nông thôn sẽ càng thuận lợi hơn’, ông Nguyễn Văn Tánh.
Nếu như nước ở NM nước sạch Bình Tường được bán buôn qua BQL Cấp thoát nước huyện Tây Sơn rồi mới đến hộ dùng nước thì NM nước sạch Nhơn Tân (TX An Nhơn) được bán lẻ đến từng hộ dân.
Công trình này xây dựng vào tháng 7/2007 với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG Nước sạch - VSMTNT, công suất thiết kế 320 m3/ngày đêm. Tháng 6/2008 công trình được đưa vào sử dụng cấp nước cho 550 hộ (3.400 nhân khẩu) tại 3 thôn Nam Tượng 1, Nam Tượng 2, Nam Tượng 3 (xã Nhơn Tân).
Ông Trần Văn Tuấn, trưởng xóm Xuân Điền 2, thôn Nam Tượng 1 (xã Nhơn Tân) phấn khởi: “Từ khi được dùng nước sạch, người dân địa phương rất vui vì tin chắc thế hệ con cháu sau này sẽ không còn bị đen răng như ông bà trước đây, bệnh lặt vặt cũng không còn như xưa, bà con yên tâm sống làm ăn”.
Hiện nay, trên địa bàn Bình Định đã có đến 93% dân các vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 55% dân số được dùng nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Với tốc độ này, kế hoạch năm 2015 Bình Định sẽ đạt 95% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh không còn là chuyện xa vời.
Theo Đình Vũ (báo NNVN)