Sẽ trình 2 phương án cai nghiện ma túy
Thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy và kiến nghị lùi thời gian thực hiện một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ðây là hai phương án được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại cuộc họp chiều 3.11.
Tham dự cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện có Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, TAND Tối cao, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, UBND TP Hà Nội và TP HCM.
10 địa phương trọng điểm ma túy
Báo cáo rà soát, quản lý người nghiện của Bộ Công an cho thấy tình hình nghiện ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước, số người tái nghiện vẫn ở tỉ lệ cao...
Toàn quốc có 10 địa phương trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, trong đó ba địa phương có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý cao nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội và Sơn La.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng công tác cai nghiện và quản lý sau cai thời gian qua đã đạt được những kết quả, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Bên cạnh đó, các văn bản quy định liên quan đến công tác phòng chống ma túy, cai nghiện còn chưa đồng bộ, kinh phí và nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy giảm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
Đối tượng nghiện ma túy thường liên quan đến các hoạt động tệ nạn xã hội bị kỳ thị và tái nghiện cao, gia đình và bản thân đối tượng nghiện ma túy thường thuộc diện khó khăn, do đó không có khả năng tài chính để cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và trung tâm, người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng và trẻ hóa...
Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất Chính phủ và Quốc hội ban hành nghị quyết chung về công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong tình hình mới để có cơ sở giải quyết bất cập, tồn tại trong hệ thống chính sách pháp luật hiện hành.
Xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật khóa XIV về dự án Luật dự phòng và điều trị nghiện ma túy để thống nhất các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực cai nghiện (trong đó sửa đổi Luật phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan).
Kiến nghị Quốc hội hai phương án
Trong khi chờ sửa đổi luật và các quy định liên quan và trước thực trạng bức xúc về tình hình nghiện ma túy và quản lý người nghiện, TP.HCM kiến nghị cho phép được thí điểm áp dụng giao chức năng quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng lập thủ tục, lập hồ sơ ban hành quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết công tác phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý cai nghiện được Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực và kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên qua rà soát, đánh giá, tình hình ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số người nghiện gia tăng, kết quả cai nghiện hiệu quả không cao.
Với thực tế cũng như nhận thực rằng ma túy không chỉ liên quan đến sức khỏe, nòi giống mà còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các hành vi tội phạm, làm mất trật tự an toàn xã hội.
Nhà nước cũng như cả cộng đồng xã hội đều xác định phải bằng các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, cụ thể và với tinh thần quyết liệt, kiên trì, lâu dài để đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói theo Hiến pháp mới, việc hạn chế quyền công dân, quyền con người phải được quy định bởi luật và phải được quyết định bởi tòa án. Luật xử lý vi phạm hành chính mới thông qua đã thể hiện tinh thần này.
Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn cuộc sống, có một số điều, quy định giữa luật này và các luật liên quan còn chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, từ đó đặt ra yêu cầu phải kiến nghị xem xét, sửa đổi, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện.
Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định, tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương chuyển đổi một số cơ sở cai nghiện bắt buộc ở các địa phương thành các cơ sở cai nghiện không bắt buộc để tiếp nhận người nghiện ma túy, giải quyết tốt tình trạng người nghiện không được quản lý tại cộng đồng như hiện nay.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM và Hà Nội cũng như đề xuất của các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan xây dựng văn bản của Chính phủ báo cáo và kiến nghị Quốc hội theo hai phương án.
Thứ nhất là cho thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để tiến hành cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ và quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai là kiến nghị cho lùi thời gian thực hiện điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và điều 131 quy định việc giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính để sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật này.
Theo V.V.Thành (TTO)
Thiết lập ngay các cơ sở điều trị Methadone
Thủ tướng vừa có chỉ thị về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Theo chỉ thị, đến ngày 15.10.2014 mới có 38/63 tỉnh, TP triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Ðể đẩy nhanh tiến độ điều trị thay thế trong tình hình kinh phí giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện điều trị thay thế theo quy định có liên quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương rà soát, cập nhật số lượng người nghiện tại địa phương làm căn cứ lập kế hoạch thiết lập các cơ sở điều trị nghiện theo quy định tại nghị định số 96.
Ðồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, bảo đảm cân đối, lồng ghép triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch điều trị bằng thuốc Methadone đạt chỉ tiêu được giao.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS thiết lập ngay các cơ sở điều trị Methadone; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành khung giá dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó cho phép tính chi phí nhân công thuê ngoài (thuê hợp đồng lao động) vào giá dịch vụ điều trị Methadone.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan bảo đảm nguồn cung thuốc Methadone đáp ứng nhu cầu của các địa phương; hoàn thiện các hướng dẫn về chuyên môn; hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện từ các nguồn huy động được.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư cân đối đủ kinh phí mua thuốc Methadone; hướng dẫn các địa phương huy động nguồn lực để triển khai điều trị thay thế; chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác quản lý và đấu tranh phòng ngừa thẩm lậu ma túy vào nước ta...