Vẫn hoành hành xung điện, xiếc máy trên đầm Đề Gi
Đầm Đề Gi thuộc địa bàn xã Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát) và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ) có diện tích trên 2.000 ha; đã mang lại nguồn thủy sản phong phú và đa dạng, tạo việc làm, nuôi sống hàng ngàn hộ cư dân sống quanh đầm từ bao đời nay. Vậy mà, nạn xung điện, xiếc máy (XĐXM) đã tàn phá, hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên đầm đến mức báo động.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong đầm, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) đã giúp địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu triển khai giải pháp quản lý đầm Đề Gi theo hướng phát triển bền vững; triển khai biện pháp quản lý tổng hợp vùng bờ ven đầm. Huyện Phù Cát đã thành lập 2 tổ tự quản khu vực cồn Ghẹ và cồn Xà Lãng; phân 2 vùng khu bảo tồn nguồn giống; phân vùng nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối; phân vùng phục hồi 2 ha rừng ngập mặn… Ngành thủy sản tỉnh cũng đã phối hợp với các địa phương quanh đầm thành lập các tổ tự quản cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền giáo dục các hộ hành nghề XĐXM thấy được tác hại của việc hành nghề này đối với môi trường sống; tạo điều kiện ưu tiên về nguồn vốn vay và động viên họ chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc các nghề khác.
Thế nhưng, những năm qua, đầm Đề Gi chưa một đêm yên tĩnh, bởi tình trạng XĐXM liên tục diễn ra, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây mất cân bằng hệ sinh thái, hủy hoại môi trường sống của các loài sinh vật trong đầm. Hiện tại có khoảng 40 thuyền hành nghề XĐXM, hàng đêm quần đảo, thâu tóm các loại thủy sản từ lớn đến bé. Chính quyền và ngành chức năng đã ra sức ngăn cấm, xử lý nhưng xem ra căn bệnh trầm kha này chưa có thuốc giải. Tập trung truy quét, nạn XĐXM giảm đi một thời gian, sau đó nhiều người lại tiếp tục lén lút hành nghề. Thực trạng này đã được phản ảnh nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng; ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, nhưng vẫn không dẹp bỏ được vấn nạn này.
Nguyên nhân XĐXM vẫn tiếp tục hoành hành, trước hết là do việc xử lý vi phạm chưa thật nghiêm khắc, các biện pháp đưa ra không đủ sức răn đe; mức tiền phạt và giá trị của phương tiện tịch thu thấp. Đã có không ít trường hợp đối tượng vi phạm bị bắt và xử lý hành chính, tịch thu phương tiện, nhưng ngay sau đó họ lại mua sắm phương tiện mới hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, công tác tuần tra kiểm soát chưa được thực hiện thường xuyên. Trên đầm luôn có hàng chục ghe thuyền gắn càng XĐXM nằm phơi mình như thách thức, mà không hề bị xử lý. Các tổ tự quản còn nể nang, né tránh, làm việc chưa hết trách nhiệm nên hoạt động tự quản chưa thật sự hiệu quả.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn XĐXM trên đầm Đề Gi, trước hết các địa phương quanh đầm cần kiểm tra, nắm chắc số hộ còn hành nghề XĐXM, phân loại từng đối tượng, vận động cam kết chuyển nghề. Đồng thời thường xuyên tuần tra kiểm soát, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện và báo cáo để địa phương xử lý kiên quyết và kịp thời các trường hợp vi phạm ngay từ khi tàu thuyền mới xuất phát từ bờ. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần cần phải xử lý theo pháp luật.
HOÀI TRUNG