Chính sách phát triển thủy sản: Không có cò mồi vay vốn đóng tàu
Hiện chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách để làm thủ tục vay vốn nên những lo ngại của ngư dân là không có cơ sở.
Sáng 4.11, tại Hà Nội, Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” nhằm cung cấp thông tin cụ thể, chính xác về việc triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đồng thời giải đáp những ý kiến, kiến nghị của ngư dân, doanh nghiệp về chính sách quan trọng này. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và lãnh đạo Hiệp hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Để ngư dân vững vàng vươn khơi." (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Sau hơn 2 tháng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và NHNN đã ban hành khoảng 10 Quyết định, 8 Thông tư hướng dẫn triển khai nhằm đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Với chủ đề “Để ngư dân vững vàng vươn khơi”, ngay trong buổi sáng, hơn 50 câu hỏi được chuyển đến các khách mời xoay quanh các nội dung về việc giải ngân nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67; Quy định, thủ tục vay vốn đóng tàu công suất lớn; Chỉ tiêu phân bổ đóng tàu ở các địa phương; Hỗ trợ ngư dân về dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo quản sau thu hoạch và thị trường đầu ra tiêu thụ thủy sản…
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Nghị định 67 của Chính phủ ra đời trong bối cảnh cả nước đang hướng về biển, đảo. Bà con ngư dân địa phương rất phấn khởi khi Nghị định được ban hành, tuy nhiên để ngư dân sớm hưởng lợi từ chính sách đề nghị các cấp ban ngành Trung ương và địa phương sâu sát hơn nữa trong quá trình hướng dẫn và triển khai Nghị định quan trọng này.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Nghị định 67 của Chính phủ với các chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn và tàu bằng các loại vật liệu mới dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ nhằm tạo giá trị kinh tế cao hơn, dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ và định hình phương hướng đánh bắt mới hướng đến hiện đại nâng cao giá trị thủy sản.
Đến nay, công tác lập danh sách, thẩm định phê duyệt các đối tượng vay vốn đóng tàu theo Nghị định vẫn đang được triển khai với phương châm đảm bảo công bằng cho bà con ngư dân, phát huy hiệu quả những chính sách trong Nghị định mang lại.
“Hiện chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách để chuyển qua NHTM làm thủ tục vay vốn, do vậy những lo ngại của bà con ngư dân thời gian qua về thủ tục, quy định vay vốn đóng tàu là do cò mồi, những thông tin nhiễu hoặc người dân tự nghĩ ra. Hiện chính sách đang được triển khai cụ thể là các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và phân bổ số lượng tàu thuyền xuống các địa phương cấp huyện và huyện phân bổ tới xã. Để triển khai có hiệu quả, các xã cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để ngư dân hiểu sâu về mặt chính sách và trong quá trình tham gia đăng ký thực sự là những người có năng lực đảm bảo những tiêu chí trong quy định của địa phương và Nghị định 67 quy định”, ông Tuấn nêu rõ.
Ông Lê Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, đến nay nguồn vốn phục vụ giải ngân cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trước khi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống trực tiếp tư vấn cho ngư dân về các quy trình thủ tục vay vốn, cũng như ban hành biểu mẫu hướng dẫn ngư dân đăng ký để kịp thời giải ngân ngay khi danh sách được các địa phương phê duyệt thông qua…
Theo Minh Long (VOV)