Khoa Sản, BVĐK khu vực Bồng Sơn quá tải: Tìm lời giải cho bài toán khó
Theo Trưởng khoa Sản, BVĐK khu vực Bồng Sơn Nguyễn Thị Gia Vy, khoa bắt đầu quá tải từ… hơn 7 năm trước. Diện tích không nhích thêm, nhưng số giường bệnh cứ “nở” dần theo thời gian. Tình trạng quá tải đang gây áp lực lớn cho cả bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
185/60
Đó là tỉ lệ bệnh nhân trên số giường bệnh kế hoạch được Sở Y tế giao cho khoa Sản, BVĐK khu vực Bồng Sơn ở thời điểm nóng bỏng nhất. Hiện tại, khoa Sản có 139 bệnh nhân, trong khi số giường sau khi cố nhét cố kê cũng chỉ là 100. Như vậy, có 39 bệnh nhân buộc phải nằm giường xếp.
Tuy không phải là cao điểm, nhưng phòng hậu sản 5 của khoa Sản hiện có tới 21 giường inox và 5 giường xếp nằm san sát nhau. Tại phòng hậu sản 3, 10 chiếc giường inox chia thành 2 dãy, xen giữa lối đi là 2 giường inox và 2 giường xếp. “2 giường inox ở lối đi là do chúng tôi kê thêm, 1 cái “xin” của khoa khác, 1 cái là giường nhân viên “nhường” lại. Bình thường không đẩy được xe thuốc vào phòng, chúng tôi phải mang thuốc đến từng giường”, nữ hộ sinh Huỳnh Thị Thanh Vân cho hay. Chỉ có 14 giường, nhưng phòng phải tiếp nhận tới 16 bà mẹ và 17 trẻ sơ sinh.
Sáng 4.11, dọc hành lang tầng 2 của khoa Sản có 11 chiếc giường. Giường nằm ngay lối đi, cạnh cầu thang, thậm chí chẳng cách nhà vệ sinh bao xa. Để chống tình trạng “giường ít người nhiều”, khoa Sản đã mở thêm một phòng đặc biệt nằm ngay lối đi giữa khoa Sản và khoa Nhi. Phòng nhỏ xíu nhưng kê tới 8 giường, 2 giường ghép lại cho 3 sản phụ, trẻ thì người nhà bế tạm ra hành lang, khi cho bú mới bế vào. Nữ hộ sinh Huỳnh Thị Kiều nói: “Chúng tôi gọi đó là “phòng kính”, bởi xung quanh toàn kính chứ chẳng có chút ximăng nào. Mùa nắng, dù căn phòng nóng bức nhưng vẫn phải trưng dụng khi quá tải. Nằm phòng này lúc nào thân nhiệt cũng cao”.
Chủ trương chung của Bệnh viện là giường trong bệnh phòng dành cho sản phụ sinh mổ, giường kê ở hành lang dành cho các ca sinh thường. Tuy nhiên, các nữ hộ sinh tâm sự rằng, khi người ta mang nặng đẻ đau đang nằm giường, chẳng dễ dàng gì bảo họ ra hành lang nằm, nhường giường cho người khác. Thế nên, các ca sinh mổ nằm ở hành lang không phải hiếm. Như chị Nguyễn Thị Tình (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), sinh mổ ngày 2.11. Sau 2 ngày được chăm sóc ở phòng hậu phẫu, chị phải chấp nhận nằm giường xếp ngay lối đi. “Bất tiện đủ thứ, nhưng thấy cảnh đông đúc thế này, mình cũng không nỡ trách móc ai”, chị Tình chia sẻ.
“Làm cho hết việc, không tính hết giờ”
Khoa Sản của BVĐK khu vực Bồng Sơn không chỉ tiếp nhận bệnh nhân ở các huyện phía Bắc tỉnh (Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ), mà còn có cả người dân phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Quá tải đã và đang gây áp lực lớn cho những người làm công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân, nhất là trong điều kiện khó khăn về nhân lực. Cả khoa chỉ có 6 bác sĩ, trong đó có 1 người sắp nghỉ hưu và 1 người mới ra trường được 1 năm. “Nữ hộ sinh tăng từ 3 lên 4 người mỗi ca trực đêm, riêng bác sĩ thì trước sau vẫn chỉ 1 người. Có ngày tiếp nhận 45 ca mới, mổ 22 ca, vừa phải quản lý bệnh nhân cũ”, Phó Trưởng khoa Dương Yến Nhi kể.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Gia Vy, trước những khó khăn của khoa Sản, Ban Giám đốc Bệnh viện cũng tìm cách hỗ trợ. Một số điều dưỡng khoa khác được tăng cường trợ giúp công tác hành chính, để các nữ hộ sinh khoa Sản tập trung chăm sóc sản phụ. Giường bệnh ở các khoa thưa bệnh nhân được “san sẻ” cho khoa Sản. Cán bộ trực lãnh đạo cũng quan tâm nhiều hơn đến cấp cứu sản. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng động viên nhau nỗ lực làm việc với phương châm “làm cho hết việc, không tính hết giờ”. Cũng may phần lớn bệnh nhân hiểu và thông cảm cho nỗi vất vả của chúng tôi”, bác sĩ Vy bày tỏ.
Còn bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện, lại tâm tư: “Vất vả là một chuyện, nhưng cái khó lớn nhất là vẫn chưa có một giải pháp căn cơ, rốt ráo để giải quyết tình trạng quá tải này”.
NGUYỄN VĂN TRANG
Lâu nay, lãnh đạo ngành y tế luôn mong muốn phát triển năng lực khám chữa bệnh cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến TW, khi bệnh nhân cứ bỏ tuyến dưới đi lên tuyến trên điều trị. Đằng này, tuyến dưới là BBĐK KV Bồng Sơn đã làm tốt công tác đỡ đẻ, mổ đẻ, sản khoa...thì tại sao Sở Y tế tỉnh BĐ có thể thờ ơ chuyện này được ? Do đó, BGĐ BVĐK khu vực Bồng Sơn phải báo cáo lên Sở y tế, báo cáo cho UBND huyện Hoài Nhơn, thậm chí phải nhờ cả UBND huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão để nhờ họ góp thêm tiếng nói giải quyết vấn đề này. ( Vì BV này điều trị cho cả bệnh nhân của các huyện này mà!). Rồi người dân khi tiếp xúc với ĐB HĐND tỉnh cũng phải kiến nghị chuyện này, để UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cho bệnh viện, phục vụ cho mình, cho con cháu mình chứ cho ai ! Nhưng quan trọng nhất, Sở Y tế BĐ phải có trách nhiệm tháo gỡ việc này, 7 năm rồi chứ ít đâu ! Nhìn cái phòng mà bà đẻ nằm thấy gớm quá ! Bệnh viện khu vực mà như thế ư ?