Vận tải đường sắt đổi mới để giữ khách
Trước sự phát triển rầm rộ vận tải hành khách đường bộ, đường không khiến thị phần hành khách đi tàu hỏa ngày càng sụt giảm. Thời gian qua, ngành đường sắt đã liên tục đổi mới, mục tiêu để hành khách được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất.
“4 xin - 4 luôn”
Kéo vali từ nhà chờ ở ga ra đường ke rồi đi thẳng vào toa tàu, anh Nguyễn Thanh Tuấn (Phan Thiết) - hành khách đi tàu SE6 cho biết: “Nay khỏe rồi! Trước đây, mỗi lần lên xuống tàu rất vất vả vì phải leo cầu thang để lên sàn tàu. Bây giờ khu vực lên, xuống tàu được nâng cao bằng mặt sàn tàu nên việc lên tàu rất dễ dàng và an toàn”.
Từ khi đưa ke ga vào sử dụng, ga Sài Gòn chấm dứt cảnh hành khách phải xách đồ, kéo vali vượt qua những bậc tam cấp gồ ghề để lên tàu hết sức khó khăn do khoảng cách từ mặt đất đến bậc cầu thang lên tàu cao hơn 1m, đặc biệt đối với người già và trẻ em.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, công trình nâng cấp ke ga hành khách tại 2 ga lớn: Sài Gòn, Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm nhằm tạo sự an toàn, thuận tiện cho khách đi tàu. Các đường ke ga đã được cải tạo, nâng cao khoảng 1m để bằng với sàn tàu, lắp đặt mái che và sơn chống trượt epoxy, giúp hành khách cùng hành lý lên tàu được dễ dàng hơn.
Với phương châm “khách hàng là thượng đế”, thời gian qua, ga Sài Gòn cũng đã sửa chữa nâng cấp hàng loạt hạng mục công trình, như làm mới lại nội thất, ngoại thất, cải tạo lại mặt đường trước cổng nhà ga, nhà chờ cho khang trang hiện đại hơn; lắp đặt mới trên 500 ghế ngồi bằng thép không gỉ cho hành khách đến ga mua vé hoặc đợi tàu. Ga cũng đã trang bị hàng chục xe lăn dành cho người khuyết tật và nhân viên sẵn sàng hỗ trợ khi hành khách cần giúp đỡ.
Trưởng Ga Sài Gòn Nguyễn Văn Thành cho biết: “Nhằm tiến tới mục tiêu phục vụ hành khách tốt nhất, từ đầu năm nay, ga Sài Gòn phối hợp với Viện Hàng không đào tạo lại nghiệp vụ giao tiếp cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của ga. Ga quyết tâm thực hiện nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong giao tiếp với phương châm: 4 xin và 4 luôn (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ)”.
Bán vé qua mạng
Nguyên nhân chính khiến hành khách quay lưng với đường sắt là giá vé còn khá cao và mua vé còn khó khăn, nhất là vào những dịp tết, lễ. Quy trình bán vé còn qua nhiều công đoạn, nhiêu khê. Tàu thường đến không đúng giờ ghi trên vé... Nhận thức rõ điều này, ngành đường sắt quyết theo phương châm kinh doanh: “An toàn - thuận tiện - thân thiện - đúng giờ - hiệu quả”.
Ông Vũ Tá Tùng cho rằng, thời gian qua là khoảng thời gian đầy khó khăn khi ngành đường sắt vừa tổ chức sắp xếp lại theo đề án tái cơ cấu, vừa đối mặt với sự canh tranh gay gắt từ các loại hình vận tải khác. Chúng tôi đã tổ chức lại các hành trình khoa học hơn, đảm bảo tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ đạt trên 92%. Nhiều giải pháp kinh doanh phục vụ khách hàng mới, bám sát thị trường được triển khai quyết liệt.
Cụ thể, áp dụng giá cước linh hoạt, khuyến mãi giá vé rẻ đối với hành khách đi chặng đường dài trên 1.300km và mua vé trước nhiều ngày. Đưa vào khai thác tàu container lạnh hành trình 58 giờ, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các ga loại I, xây dựng cải tạo ke ga, mái che tại các ga lớn; xây dựng hệ thống bán vé điện tử...
Đồng thời Tổng công ty ĐSVN đã cải tiến quy trình kiểm soát vé hành khách đi tàu. Bãi bỏ việc kiểm soát vé khi hành khách vào và ra ga, nhân viên sẽ kiểm soát vé hành khách ngay tại cửa vào toa tàu. Người nhà đi đón, tiễn ra vào ga tự do không phải mua vé. (Trước đây, hành khách phải mất 4 lần để trình vé trong một hành trình, lần 1 tại cổng vào ga, lần 2 trước khi lên tàu, lần 3 sau khi tàu đã chạy và lần 4 khi ra cổng ga nên rất mất thời gian).
Thời gian tới, Tổng Công ty ĐSVN sẽ lắp đặt camera theo dõi, kiểm soát tại khu vực phòng đợi tàu và các ke ga, cung cấp dịch vụ Internet miễn phí ở các ga hạng I, trang bị chăn, gối mới chất lượng cao, vệ sinh bên ngoài toa tàu, xử lý mùi bên trong toa… Tiến tới áp dụng công nghệ vào quản lý điều hành, bán vé như hệ thống bán vé máy bay. Sử dụng công nghệ hiện đại bảo đảm an toàn đường ngang để giảm bớt gác chắn, tránh lãng phí.
Những đổi mới trên đây cho thấy ngành đường sắt đang thay đổi tư duy, một sự thay đổi bắt buộc nếu không muốn tụt hậu và bị hành khách quay lưng. Áp lực thị trường, áp lực của hàng không giá rẻ và vận tải đường bộ cao cấp đang là đối thủ kích hoạt ngành đường sắt VN thay đổi.
Theo Quốc Hùng (SGGP)